Tầm quan trọng của tiêu chuẩn về đa dạng sinh học
Đăng ngày: 15:10 10-08-2020
Đa dạng sinh học đảm bảo duy trì sự sống. Nó tạo ra không khí mà chúng ta hít thở, thực phẩm mà chúng ta ăn, các loại thuốc cứu sống sinh mạng và nguồn nước mà con người sử dụng hằng ngày. Song việc khai thác quá mức đất đai và các loài sinh vật, thâm canh, ô nhiễm và biến đổi khí hậu đã làm xói mòn đa dạng sinh học đến mức chúng ta đang phải đối mặt với thiên tai, tình trạng thiếu lương thực và nước, các bệnh truyền nhiễm từ động vật và nhiều hơn thế nữa. Chính vì thế, việc tăng cường đa dạng sinh học là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Nhận thức được điều này, ISO vừa thành lập một ủy ban bao gồm các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới chuyên xây dựng các tiêu chuẩn giúp các tổ chức thực hiện điều đó. ISO/TC 331, Đa dạng sinh học, sẽ do AFNOR, thành viên của ISO tại Pháp, chủ trì và dự định cung cấp một cách tiếp cận toàn diện bằng cách tập hợp và mở rộng chuyên môn của quốc gia và quốc tế hiện có để giải quyết các vấn đề đa dạng sinh học.
Thư ký ban Caroline Lhuillery cho biết công việc của ISO/TC 331 là giúp khuyến khích các tổ chức, bao gồm cả chính phủ và doanh nghiệp, đưa các vấn đề đa dạng sinh học vào chiến lược, các quyết định và hành động của họ.
Bà nói: “Khoảng 3/4 diện tích đất liền và 2/3 môi trường biển trên thế giới đã bị thay đổi đáng kể bởi sự can thiệp của con người, tạo ra những mối nguy hiểm thực sự cho nhân loại. Với mong muốn lật ngược tình thế để tạo ra mối quan hệ lành mạnh hơn giữa các nền kinh tế và hệ sinh thái, một mối quan hệ khuyến khích bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời tạo cơ hội phát triển bền vững, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận toàn cầu để đạt được điều này ”.
Các tiêu chuẩn tương lai của ban kỹ thuật sẽ bao gồm các thuật ngữ và định nghĩa được tiêu chuẩn hóa sẽ được sử dụng trên toàn cầu, các phương pháp luận để phân tích tác động, khuôn khổ để xác định chiến lược và kế hoạch hành động, các công cụ giám sát và báo cáo, v.v. ISO/TC 331 cũng dự định phát triển các hướng dẫn về các vấn đề đa dạng sinh học cụ thể như kỹ thuật sinh thái, các giải pháp dựa trên tự nhiên và các công nghệ có liên quan.
Kết quả đầu ra của ủy ban mới sẽ hữu ích cho các cơ quan chức năng của quốc gia và địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan khác để cải thiện các hoạt động hiện tại liên quan đến đa dạng sinh học và tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và sáng kiến mới.
Việc sử dụng các tiêu chuẩn trong tương lai sẽ cho phép các tổ chức trực tiếp đóng góp vào 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, đặc biệt là SDG 13 (Hành động vì khí hậu), SDG 14 (Cuộc sống dưới nước) và SDG 15 (Cuộc sống trên cạn). Công việc của ủy ban cũng sẽ gián tiếp mang lại lợi ích cho các SDG còn lại, vì tất cả các hoạt động của con người đều phụ thuộc vào đa dạng sinh học.
Các tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc đóng góp cho ISO/TC 331 có thể liên hệ với Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia thành viên ISO. Tại Việt Nam đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Hiện tại, Việt Nam đã đăng ký là thành viên tham gia (thành viên P) của ban kỹ thuật này.
(NB - Biên dịch theo ISO)