THIẾT KẾ, XÂY DỰNG BÃI CHÔN LẤP CHẤT THẢI NGUY HẠI THEO TCVN 13439:2022
Đăng ngày: 16:51 19-01-2024
Sự gia tăng không ngừng về sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đã kéo theo việc tạo ra một lượng lớn chất thải độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chất thải nguy hại là chất thải có chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Trong xã hội hiện đại, chất thải nguy hại đã trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt. Chúng có thể là các chất độc hại, chất ô nhiễm, chất gây ung thư, chất gây di truyền, chất gây phân hủy và các chất gây ô nhiễm khác. Một số ví dụ về chất thải nguy hại bao gồm pin, ắc quy, thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp, chất bảo quản, chất xâm nhập từ các thiết bị điện tử và nhiều loại chất thải từ sản xuất công nghiệp khác.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nguy hại phát sinh tại Việt Nam hiện nay khoảng 874.589 tấn/năm, trong đó, chất thải rắn chiếm khoảng 80%. Lượng chất thải này phát sinh chủ yếu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chiếm khoảng 70%, tiếp theo là chất thải từ hoạt động y tế, chiếm khoảng 20% và rác thải nguy hại từ hoạt động sinh hoạt, chiếm khoảng 10%.
Hiện nay, khoảng 70% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khối lượng khoảng 35.000 tấn/ngày nhưng chỉ có khoảng 20% trong số các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Xây dựng và thiết kế bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Ảnh minh họa
Để giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại, việc thiết kế và xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần đảm bảo theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13439:2022. Tiêu chuẩn này do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu thiết kế, xây dựng mới đối với bãi chôn lấp chất thải nguy hại hoặc cải tạo các ô chôn lấp chất thải nguy hại trong các bãi chôn lấp chất thải.
Về quy mô bãi chôn lấp cần phải có diện tích thích hợp đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng hoặc của khu vực và được quy hoạch sử dụng tối thiểu từ 20 năm đến 30 năm. Khi xác định diện tích bãi chôn lấp cho một vùng hay một khu vực cần phải xem xét các yếu tố về lượng phát sinh chất thải hiện tại và tương lai; Khả năng tái sử dụng, xử lý chất thải nguy hại trước khi đổ thải: Đối với loại bãi chôn lấp nhỏ phải có diện tích dưới 1 ha; loại vừa từ 1 đến 3 ha; loại lớn từ 3 đến 6 ha; loại rất lớn trên 6 ha.
Việc lựa chọn vị trí bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần phải đảm bảo ở những nơi địa hình cao, không có sự phân bố các tầng nước ngầm. Địa điểm lựa chọn không được ở vị trí có động đất, trượt lở, dòng lũ bùn đá. Cần phải ngăn ngừa, hạn chế và giảm thiểu được tác động tiêu cực đối với môi trường và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Được thiết kế độc lập, có quy hoạch tổng thể mặt bằng bãi chôn lấp trên đó bố trí đầy đủ các hạng mục công trình, các kích thước cơ bản của các công trình.
Bố trí quy hoạch tổng mặt bằng bãi chôn lấp cần phải thể hiện rõ phân khu chức năng và mối liên hệ công nghệ giữa các khu chức năng. Bố trí quy hoạch tổng mặt bằng bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần phải tính tới diện tích đất dành cho phát triển tương lai và quy hoạch sử dụng đất sau đóng bãi. Xung quanh bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần phải có vùng đệm. Trong vùng đệm trồng cây hoặc gờ chắn, bảo đảm khả năng ngăn cách bãi chôn lấp với bên ngoài. Chiều rộng nhỏ nhất của dải cây xanh cách ly không nhỏ hơn 20m. Bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần phải có hệ thống hàng rào bảo vệ. Hàng rào cần phải có kết cấu vững chắc như tường gạch, rào thép, dây thép gai, v.v...
Khi thiết kế cần phải chú ý đến yếu tố địa hình, hướng gió, hướng dòng chảy đồng thời cần phải chú ý đến yếu tố cảnh quan, môi trường để bãi chôn lấp không chỉ là nơi chôn rác mà còn là một công trình sản xuất, thuận lợi mang tính chất kinh tế - xã hội. Phải tính toán đầy đủ các nguyên liệu, vật liệu, các trang thiết bị cần thiết và cần phải đủ bền để sau khi bãi chôn lấp chất thải nguy hại đóng cửa chúng vẫn tiếp tục sử dụng nếu cần thiết đặc biệt đối với hệ thống thoát nước, thu khí ga, bảo vệ.
Trong thiết kế cần phải chú ý đến việc tái sử dụng bãi chôn lấp sau khi đóng cửa bãi để tận dụng các công trình xây dựng đã có và chú ý đến các sự cố bất thường trong quá trình thi công, vận hành bãi chôn lấp chất thải nguy hại. Trong thiết kế cần phải chú ý đến các yếu tố quản lý, vận hành, duy tu và báo dưỡng các trang thiết bị lắp đặt trong bãi chôn lấp.
Khu tiền xử lý cần phải được thiết kế có mái che, đảm bảo tránh sự xâm nhập của nước mưa và sự thất thoát chất gây ô nhiễm trong quá trình xử lý trước khi chôn lấp. Phải được thiết kế hệ thống rãnh ngăn nước mặt và rãnh thu gom nước rác. Tỷ lệ diện tích khu tiền xử lý không lớn hơn 15 % diện tích khu chôn lấp.
Lớp che phủ bề mặt bãi chôn lấp cần phải được thiết kế để đảm bảo chức năng cách ly chất thải nguy hại với môi trường trên bề mặt; ngăn không cho nước mưa và nước mặt ngấm xuống ô chứa chất thải, do vậy giảm lượng nước thải phát sinh sau khi đóng bãi. Kiểm soát sự thoát khí từ các ô chôn lấp và để duy trì sự phát triển thảm thực vật bên trên và tạo cảnh quan. Lớp che phủ bề mặt cần phải có độ dốc tối thiểu từ 3 % đến 5 % để nước mưa dễ dàng thoát khỏi bãi chôn lấp.
Đối với bãi chôn lấp chất thải nguy hại, không được cho thoát tán khí tại chỗ mà bắt buộc cần phải thiết kế hệ thống thu khí rác. Hệ thống thu khí rác bao gồm: Các ống thu khí rác, ống dẫn khí rác, khu xử lý khí rác. Hệ thống thu gom khí cần phải được thiết kế và xây dựng hợp lý đảm bảo thu hồi khí rác mà không ảnh hưởng tới cấu trúc của lớp phủ và bãi chôn lấp. Cấu tạo, cách bố trí, mật độ ống thu khí rác theo tiêu chuẩn thiết kế của bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh.
Hệ thống ống dẫn khí rác gồm các ống chính và ống nhánh. ống nhánh nối từ ống thu khí rác tới ống chính. Ống chính dẫn khí rác từ các ống nhánh về khu xử lý khí rác. Độ cao của ống thu khí cao trên mặt đất cần phải đạt 10 cm đến 20 cm và có khóa để dễ điều hành khí thoát ra. Đường kính ống thu khí ≥ ϕ50 mm
Tùy thuộc vào tính chất và lượng khí rác phát sinh mà áp dụng phương pháp xử lý đốt hay hấp thụ hoá học. Trường hợp nồng độ khí hydrocacbua cao có thể sử dụng phương pháp đốt. Trong các trường hợp khác, cần có nghiên cứu cụ thể về thành phần khí rác để lựa chọn thiết bị xử lý thích hợp. Trong trường hợp xử lý bằng phương pháp đốt, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn về phòng chống cháy, nổ. Trong bãi chốn lấp cần phải có hệ thống thu gom nước mưa riêng và dẫn vào các hệ thống thoát nước mưa của khu vực.
Bãi chôn lấp chất thải nguy hại cần phải được thiết kế hệ thống giếng quan trắc nước ngầm. Số lượng, cấu tạo giếng quan trắc nước ngầm được tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế của bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh.
Khu xử lý nước rỉ rác bao gồm trạm bơm nước rác, các công trình xử lý nước rác, hồ trắc nghiệm và ô chứa bùn. Trạm bơm nước rác, các công trình xử lý nước rác, ô chứa bùn được tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế của bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và các tiêu chuẩn hiện hành khác. Hồ giám sát tiếp nhận nước rác từ công trình xử lý nước rác cuối cùng và thoát nước ra ngoài bãi chôn lấp. Không được sử dụng các loại ao, hồ sau đây làm hồ giám sát.
An Dương
Theo VietQ.vn