Đề xuất chỉ số Hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững vào chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ (Phần 4 và hết)
Đăng ngày: 11:42 30-11-2023
Qua quá trình nghiên cứu và phân tích các thông tin được đề cập từ những phần trước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận thấy để tính toán và xếp hạng các quốc gia vào Bảng xếp hạng chỉ số hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững, UNIDO đã xây dựng 36 chỉ số thuộc 5 cấu phần[1],
Cụ thể:
- Cấu phần tiêu chuẩn hóa gồm 07 chỉ số:
(1) Tiêu chuẩn ISO được chấp nhận;
(2) Tiêu chuẩn IEC được chấp nhận;
(3) Thành viên của ISO;
(4) Thành viên của IEC;
(5) Thành viên của ITU;
(6) Tham gia vào các Ban kỹ thuật của ISO;
(7) Tham gia vào các Ban kỹ thuật của IEC.
- Cấu phần đo lường gồm 09 chỉ số:
(1) Tham gia vào Ủy ban kỹ thuật của Ủy ban quốc tế về Cân đo (CIPM);
(2) Tham gia vào các Chương trình đánh giá đo lường (key and supplementary comparisons);
(3) Số lượng của các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn;
(4) Phạm vi của các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn;
(5) Tư cách thành viên của Văn phòng Cân đo Quốc tế (BIPM);
(6) Tư cách thành viên của Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế (OIML);
(7) Số lượng dịch vụ Hệ thống chứng nhận OIML được cung cấp;
(8) Số lượng dịch vụ Hệ thống chứng nhận OIML được công nhận;
(9) Tham gia vào các nhóm dự án của OIML.
- Cấu phần đánh giá sự phù hợp bao gồm 05 chỉ số:
(1) Tư cách thành viên của hệ thống đánh giá sự phù hợp của IEC;
(2) Tư cách thành viên của Mạng lưới Chứng nhận quốc tế (IQNET);
(3) Số lượng chứng nhận của Hệ thống thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp toàn cầu cho các thiết bị – linh kiện kỹ thuật điện (IECEE) được công nhận;
(4) Số lượng chứng nhận của IQNet được công nhận;
(5) Số lượng chứng nhận của ISO được công nhận.
- Cấu phần công nhận bao gồm 04 chỉ số:
(1) Phạm vi của các tổ chức công nhận thuộc Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF);
(2) Phạm vi của các tổ chức công nhận thuộc Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC);
(3) Ký kết Thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của IAF;
(4) Ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ILAC.
- Cấu phần chính sách bao gồm 11 chỉ số:
(1) Tham gia các chương trình nâng cao năng lực liên quan đến cơ sở hạ tầng chất lượng từ các tổ chức BIPM, OIML, ISO, WTO.
(2) Xây dựng chính sách chất lượng quốc gia hoặc vùng.
(3) Các cấu phần của Cơ sở hạ tầng chất lượng được đề cập tại Chính sách chất lượng.
(4) Hỗ trợ của chính phủ đối với Chính sách chất lượng (hỗ trợ về kinh phí hoặc những hỗ trợ được quy định trong chính sách chất lượng hoặc các văn bản khác).
(5) Phát triển và thực thi các chính sách chất lượng bởi cấp có thẩm quyền (cấp cao nhất của Chính phủ,…).
(6) Sự phê duyệt của Chính phủ đối với Chính sách chất lượng.
(7) Tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan đối với chính sách chất lượng (từ khu vực công, khu vực tư nhân, người tiêu dùng, nhà sản xuất).
(8) Cân nhắc về sự đa dạng trong Chính sách Chất lượng.
(9) Xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai chính sách chất lượng.
(10) Xây dựng các cơ chế giám sát và đánh giá việc thực thi/kết quả các Chính sách chất lượng.
(11) Rà soát và cập nhật Chính sách chất lượng.
Trong 36 chỉ số nêu trên, UNIDO tiếp tục phân loại thành 02 loại chỉ số đó là: Chỉ số G và Chỉ số P, trong đó:
– Chỉ số P là chỉ số đo lường mối quan hệ của các cấu phần của QI với mục tiêu phát triển bền vững. 09/36 chỉ số nêu trên là chỉ số P (Phạm vi của các tổ chức công nhận IAF; Phạm vi của các tổ chức công nhận ILAC; Số lượng chứng nhận của IQNet được công nhận; Số lượng chứng nhận của ISO được công nhận; Số lượng của các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn; Phạm vi của các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn; Tiêu chuẩn ISO được chấp nhận; Tiêu chuẩn IEC được chấp nhận; Tham gia vào các ban kỹ thuật của IEC).
– Chỉ số G là chỉ số đo lường các đặc điểm của QI nhưng không liên kết được các đặc điểm đó với một mục tiêu phát triển bền vững cụ thể nào. 30/36 chỉ số còn lại được phân loại là các chí số G.
Sau khi có chỉ số, các chuyên gia tiến hành thu thập dữ liệu, áp dụng các bước chọn lọc, tính toán để tính toán điểm số của từng quốc gia bằng cách sử dụng công thức tính trung bình của 05 cấu phần: tiêu chuẩn hóa, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận và chính sách. Bên cạnh đó, Bảng xếp hạng chỉ số Hạ tầng chất lượng với phát triển bền vững (Quality Infrastructure for Sustainable Development – QI4SD) phân loại các quốc gia thành 4 nhóm dựa trên chỉ số GDP theo thứ tự từ lớn đến nhỏ (XL, L, M, S) (tức là các quốc gia có cùng một mức chỉ số GDP sẽ được xếp cùng nhóm).
Việt Nam xếp hạng thứ 36/46 các quốc gia trong nhóm L, với điểm số cụ thể trên thang 100 điểm, trong đó: tiêu chuẩn là 36, đánh giá sự phù hợp là 11, đo lường là 25, công nhận là 77. Điểm trung bình của 04 cấu phần là 37.
Mặc dù chỉ số QI4SD có tổng cộng 36 chỉ số, tuy nhiên, việc bổ sung cả 36 chỉ số vào hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN là không cần thiết bởi theo báo cáo của UNIDO, 02 chỉ số thuộc cấu phần tiêu chuẩn và 11 chỉ số thuộc cấu phần chính sách được thu thập từ các bài khảo sát.
Từ những phân tích về tính cần thiết, vai trò của cơ sở hạ tầng chất lượng, Tổng cục dự kiến đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung 23 trong số 36 chỉ số QI4SD vào chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN, lý do, đây là những chỉ số cần thiết phải thống kê thường xuyên, được thu thập bởi các đối tượng khác nhau, cụ thể:
(1) Thành viên của ISO;
(2) Thành viên của IEC;
(3) Thành viên của ITU;
(4) Tham gia vào các ban kỹ thuật của ISO;
(5) Tham gia vào các ban kỹ thuật của IEC;
(6) Tham gia vào ủy ban kỹ thuật của CIPM;
(7) Tham gia vào các Chương trình đánh giá đo lường;
(8) Số lượng của các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn;
(9) Phạm vi của các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn;
(10) Tư cách thành viên của BIPM;
(11) Tư cách thành viên của OIML;
(12) Số lượng dịch vụ Hệ thống chứng nhận OIML được cung cấp;
(13) Số lượng dịch vụ Hệ thống chứng nhận OIML được công nhận;
(14) Tham gia vào các nhóm dự án của OIML.
(15) Tư cách thành viên của hệ thống ĐGSPH của IEC;
(16) Tư cách thành viên của IQNet;
(17) Số lượng chứng nhận của IECEE được công nhận;
(18) Số lượng chứng nhận của IQNet được công nhận;
(19) Số lượng chứng nhận của ISO được công nhận.
(20) Phạm vi của các tổ chức công nhận IAF;
(21) Phạm vi của các tổ chức công nhận ILAC;
(22) Ký kết Thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của IAF;
(23) Ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ILAC.
Lê Bích Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra
[1] Lưu ý: Cấu phần giám sát thị trường không được đưa vào công thức tính toán vì không thể thu thập dữ liệu của cấu phần; page 24, QI4SD report.