Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển
Đăng ngày: 14:37 22-11-2022
Nhu cầu sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ năm 2018 và Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được phê duyệt tại năm 2020 tạo tiền đề cơ bản để nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển. Nhờ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ có xu hướng tăng nhanh.
Diện tích đất canh tác hữu cơ năm 2020 tăng lên 174.300ha; tăng 47% so với năm 2016. Đến năm năm 2021, hầu hết địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu thụ hàng năm khoảng 500 tỷ đồng ở thị trường trong nước; chủ yếu tiêu thụ tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội (chiếm 80% cả nước, đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm)
Báo cáo từ các địa phương đến tháng 9/2022, đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ; trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 7 nhóm sản phẩm là lúa gạo gần 2.300 ha, tập trung lớn tại Cà Mau và Kiên Giang; rau củ gần 900 ha, tập trung lớn tại Hà Nội, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk Lăk, trái cây 14.000 ha chủ yếu là dừa ở Bến Tre và Trà Vinh… Lĩnh vực chăn nuôi có 3 nhóm sản phẩm là chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi gà; thủy sản có 1 nhóm sản phẩm là tôm tại Cà Mau.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm, tới 180 thị trường trên thế giới. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... với số lượng còn rất hạn chế.
Ảnh minh hoạ
Được biết, riêng về tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ, tại Việt Nam, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 04 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó, TCVN 11041-1:2017 đã nêu rõ bốn nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ là Nguyên tắc sức khỏe, Nguyên tắc sinh thái, Nguyên tắc công bằng và Nguyên tắc cẩn trọng. Nhóm TCVN này về cơ bản hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến là rất quan trọng. Mặt khác, các TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam, áp dụng được trong thực tiễn.
Ví dụ, các TCVN quy định phải áp dụng đầy đủ quá trình chuyển đổi đất trồng như các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thời gian chuyển đổi đất trồng đối với cây trồng ngắn ngày chỉ là 12 tháng (theo tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn Thái Lan) thay vì 24 tháng (theo tiêu chuẩn châu Âu).
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục công bố 04 TCVN đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù (TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ). Đây là các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ. Trong đó, gạo và tôm là các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm quốc gia.
Các TCVN được công bố đã giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là cơ sở sản xuất tiếp cận thông tin, hiểu và áp dụng đúng các tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ; từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế và thuận lợi cho hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Trong các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc (TXNG) là một trong những nội dung bắt buộc, nhằm đảm bảo tính minh bạch. Phần 1 của TCVN 11041 quy định “Việc lưu giữ hồ sơ nhằm đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng cách theo dõi dữ liệu sản xuất (ví dụ: dữ liệu về vật tư, nguyên liệu đầu vào) và số lượng của từng bước trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc bán hàng”.
Theo kế hoạch xây dựng TCVN đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang thực hiện biên soạn 05 TCVN về một số sản phẩm hữu cơ đặc thù, dự kiến công bố vào đầu năm 2023, nhằm bổ khuyết cho các tiêu chuẩn đã công bố. Cụ thể: tiêu chuẩn về mật ong hữu cơ, bổ khuyết cho tiêu chuẩn về chăn nuôi hữu cơ (TCVN 11041-3:2017 cũng như tiêu chuẩn của CODEX nội dung về chăn nuôi hữu cơ đều không nêu cụ thể yêu cầu đối với mật ong hữu cơ); tiêu chuẩn về nấm hữu cơ, rau mầm hữu cơ và trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, nhằm bổ khuyết cho tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ; tiêu chuẩn về rong biển hữu cơ.
Bên cạnh đó, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về phân bón cũng biên soạn TCVN về phân lân nung chảy sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ. Phân lân nung chảy là vật tư nông nghiệp sẵn có ở Việt Nam, dựa trên nguồn tài nguyên quặng apatit, secpentin. Tuy nhiên, do phân lân nung chảy được phân loại là phân vô cơ, nên hiện nay có nhiều luồng quan điểm khác nhau về việc sử dụng loại phân này trong nông nghiệp hữu cơ. Việc xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với phân lân nung chảy dùng trong nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần gỡ khó cho cả nhà sản xuất phân bón lẫn các cơ sở trồng trọt hữu cơ.
Bộ TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ đáp ứng tốt đối với một số mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc, ví dụ mục tiêu 2.3 về tăng năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp và mục tiêu 2.4 về bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác, dần dần cải tạo chất lượng đất đai.
Những nút thắt cần gỡ
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quốc Toản, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Vấn đề đầu tiên cần nhìn nhận là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang có xu hướng tăng mạnh và vượt quá nguồn cung. Tuy nhiên, xu hướng tăng cường các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường tại tất cả các quốc gia bao gồm cả Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Trong nước, nông nghiệp hữu cơ vẫn đang thiếu các cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, thiếu cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Mức hỗ trợ từ chính sách còn nhỏ so với nhu cầu. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế. Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp còn bất cập.
Khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa triển khai được trên diện rộng nên phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Năng lực của các tổ chức chứng nhận, kinh nghiệm chuyên gia đánh giá còn hạn chế, chưa có nhiều chuyên gia giỏi và chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ. Việc quản lý hoạt động chứng nhận và các tổ chức chứng nhận của cơ quan chức năng hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trên thị trường, ngành chức năng chưa có cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia chưa thực sự có uy tín và được chấp nhận trên thị trường thế giới. Theo ông Toản, một trong những giải pháp lớn là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách dành cho nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Cùng chia sẻ về những hạn chế, khó khăn, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ chưa được đầu tư thực hiện rộng rãi, duy trì thường xuyên với quy mô lớn. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là sản phẩm cao cấp, tiêu chuẩn cao, giá thành cao nên kén người dùng. Đó là điều cần thừa nhận để định hướng phát triển cho nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Tiệp, muốn phát triển cho nông nghiệp hữu cơ thì trước hết phải phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sau đó là nâng cấp tiêu chuẩn chứng nhận của Việt Nam. Ngành nông nghiệp ghi nhận ý kiến của nhiều cá nhân, đơn vị trong cách gọi tên còn mập mờ như: định hướng hữu cơ, hướng tới hữu cơ. Việc này cần phải nhất quán trong thuật ngữ. Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cũng cần phải hoàn thiện nhiều và nhanh để sớm đạt mức tương đồng thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong mục tiêu dài hạn, diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, không phục vụ cho an ninh lương thực như nhóm sản phẩm khác.
Thực tế là nông nghiệp hữu cơ trong nước vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục để phát triển tương xứng nhu cầu thị trường. Ngành chức năng và Bộ NN&PTNT còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc hoàn thiện tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từng bước ngang bằng thế giới.
Phong Lâm (vietq)