Xác nhận chất lượng mã số mã vạch – chìa khoá đảm bảo mã vạch quét được ngay lần đầu
Đăng ngày: 11:11 08-08-2022
Kiểm tra chất lượng mã vạch là xác định khả năng quét và chất lượng của mã vạch so với thông số kỹ thuật của tiêu chuẩn. Bất kỳ đối tác thương mại nào trong chuỗi cung ứng đều có thể và nên kiểm tra chất lượng mã vạch. Điều quan trọng là phải kiểm tra mã vạch để đảm bảo rằng bất kỳ đầu đọc nào trong chuỗi cung ứng đều có thể diễn giải thành công mã vạch với tỷ lệ lỗi thấp. Các nhà bán lẻ tại các quốc gia phát triển, áp dụng các hình phạt lớn đối với mã vạch không đạt chất lượng.
Việt Nam bắt đầu đưa công nghệ mã số, mã vạch (MSMV) vào áp dụng từ năm 1995, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu hàng hoá và bán lẻ tại các siêu thị – sau đó dần mở rộng ra các thành phố lớn trên cả nước. Từ chỗ lúc đầu chỉ có hơn 40 doanh nghiệp sử dụng MSMV đến nay đã có hàng vạn mặt hàng mang mã số 893 của quốc gia Việt Nam đang lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.
Mã vạch được sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trong nhiều bối cảnh. Trong các cửa hàng, mã vạch GTIN in sẵn trên hầu hết mặt hàng giúp tăng tốc độ xử lý khi thanh toán và giúp theo dõi các mặt hàng. Mã vạch ISBN của sách cũng được in rộng rãi trên sách, tạp chí và các tài liệu in khác.
Ngoài ra, thẻ thành viên chuỗi bán lẻ sử dụng mã vạch để xác định khách hàng, cho phép tiếp thị tùy chỉnh và hiểu rõ hơn về các hình thức mua sắm của người tiêu dùng cá nhân. Mã vạch được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và bệnh viện, từ nhận dạng bệnh nhân (để truy cập dữ liệu bệnh nhân, bao gồm tiền sử bệnh, dị ứng thuốc, v.v.), tạo ghi chú SOAP với mã vạch đến quản lý thuốc và thiết bị y tế.
Chúng cũng được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại và lập chỉ mục các tài liệu được scan trong ứng dụng quét hàng loạt, theo dõi tổ chức các loài trong sinh học, tích hợp với cân kiểm tra trên băng chuyền để xác định vật phẩm đang được cân trong một dây chuyền thu thập dữ liệu. Chúng cũng có thể sử dụng để theo dõi xe cho thuê, hành lý hàng không, chất thải hạt nhân, thư bảo đảm/chuyển phát nhanh và bưu kiện.
Vé có mã vạch (khách hàng có thể tự in tại nhà hoặc lưu trữ trên thiết bị di động) cho phép người sở hữu vào các sân vận động thể thao, rạp chiếu phim, rạp hát, lên máy bay, v.v. Trải qua hai năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhu cầu mua, bán hàng online gia tăng đã giúp ngành thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, mã vạch trên các gói hàng giúp người mua và người bán dễ dàng theo dõi hành trình của hàng hoá.
Thông tin của các sản phẩm và hoạt động kể trên đều được mã hoá bằng mã vạch. Đảm bảo độ chính xác của thông tin đã mã hoá và đảm bảo mã vạch quét được ngay lần đầu và mọi lần khác là rất quan trọng. Máy kiểm tra mã vạch lần đầu tiên được thiết kế vào những năm 1990 để thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế ISO.
Phương pháp này xác minh một mã vạch có thể quét tốt như thế nào. Mã vạch đã trở thành chìa khóa cải thiện năng suất và thu thập dữ liệu, xác minh chất lượng in mã vạch hiện là bắt buộc. Sử dụng thiết bị kiểm tra mã vạch là cách duy nhất để xác định xem mã vạch có thể quét được hay không và ở mức độ nào. Chỉ vì mã vạch có thể quét được bằng một máy quét mã vạch không có nghĩa là máy quét mã vạch khác có thể quét được.
Khi không có hệ thống kiểm tra xác nhận chất lượng MSMV đầy đủ và đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế ISO hoặc tiêu chuẩn GS1 toàn cầu, việc thiết kế, in ấn bao bì của các doanh nghiệp không có kiểm soát, không đúng chuẩn và tràn lan. Việc này ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc tế có yêu cầu bắt buộc kiểm tra chất lượng hình ảnh và kiểm tra chất lượng mã vạch trên sản phẩm, đồng thời cũng ảnh hưởng đến xu thế phát triển thương mại điện tử hiện nay.
Theo kết quả khảo sát trên 1000 sản phẩm đang lưu thông trên thị trường do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thực hiện, chỉ có 69% sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng quét mã theo quy định của tiêu chuẩn ISO và 45% sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng quét mã theo quy định của GS1.
Số liệu này thay đổi theo kiểu dáng và chất liệu bao bì. Đối chiếu theo yêu cầu về chất lượng mã vạch của ISO và GS1, tỷ lệ bao bì nhựa đạt chất lượng lần lượt là 68% và 51%, tỷ lệ bao bì giấy đạt chất lượng lần lượt là 73% và 49%, tỷ lệ bao bì ni lông đạt chất lượng lần lượt là 61% và 32%, tỷ lệ bao bì thuỷ tinh đạt chất lượng lần lượt là 63% và 50%, tỷ lệ bao bì kim loại đạt chất lượng lần lượt là 64% và 50%.
Có thể thấy, trên thị trường vẫn còn rất nhiều hàng hoá không thể quét được ngay lần đầu tiên và mọi lần. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh, doanh nghiệp thiết kế, in ấn bao bì ở Việt Nam chưa ý thức được lợi ích khi có bao bì in mã vạch đạt chất lượng tốt và họ cũng chưa lường trước các tổn thất, chi phí khi phải thiết kế, sản xuất lại bao bì theo yêu cầu của khách hàng.
ThS. Đặng Thanh Huyền – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam