Khắc phục bất cập, hạn chế trong công tác triển khai thi hành Luật TC&QCKT
Đăng ngày: 15:46 10-08-2022
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học trao đổi, thảo luận về các nội dung trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật (Luật TC&QCKT), bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho hay, căn cứ Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó, Phụ lục của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ(KH&CN) cần sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 30/7/2021; Bộ KH&CN đã có Công văn số 2017/BKHCN-TĐC gửi các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đánh giá tình hình thực hiện Luật TC&QCKT nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật TC&QCKT, đồng thời chỉ ra các bất cập, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn chia sẻ về kết quả cũng như tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành Luật TC&QCKT.
Các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các cơ quan thực thi Luật TC&QCKT, các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ở Trung ương và địa phương, các tổ chức dịch vụ có chức năng hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã tiến hành tổng kết các kết quả đạt được và bất cập, hạn chế của Luật TC&QCKT trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Cùng với hoạt động tổng kết, Bộ KH&CN đã tổ chức 20 cuộc họp và 03 hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật TC&QCKT tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để lấy ý kiến trực tiếp các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia độc lập, các tổ chức dịch vụ, doanh nghiệp, cá nhân.
Qua thông tin, số liệu, đánh giá, nhận định từ các cơ quan, tổ chức hữu quan; báo cáo kết quả của các cuộc họp, hội nghị tổng kết cũng như thực tiễn hoạt động của cơ quan chuyên môn là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN đã xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật TC&QCKT.
Đối với việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Luật TC&QCKT là đạo luật quy định đầy đủ và toàn diện nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm các chế định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và việc thực thi các quy địnhnày.
Nhằm thực thi hiệu quả Luật TC&QCKT, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TC&QCKT trong từng lĩnh vực TC&QCKT. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước về TC&QCKT đã chủ trì xây dựng 20 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật TC&QCKT và các Nghị định nêu trên. Ngoài ra, còn có 196 văn bản pháp luật (từ Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư) điều chỉnh các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác cũng có một số quy định liên quan đến lĩnh vực TC&QCKT.
Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật về TC&QCKT của nước ta hiện nay đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, tạo nên khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về TC&QCKT, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về TC&QCKT, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật về TC&QCKT đã có tác động tích cực đến sự phát triển hệ thống TC&QCKT của nước ta ở các khía cạnh như: Góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước xây dựng nền móng ý thức tôn trọng pháp luật về TC&QCKT từ phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ để tổ chức thực hiện việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hànhTC&QCKT; Tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước ta thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TC&QCKT;
Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng người tiêu dùng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực.
Đối với công tác tổ chức thi hành Luật TC&QCKT, đặc biệt là công tác phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, sau khi Luật TC&QCKT được ban hành, công tác phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương cũng như các bộ, ngành có liên quan tích cực triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, biên soạn, dịch và xuất bản sách, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TC&QCKT v.v…
Tựu chung lại, cho đến nay, sau hơn 15 năm thi hành Luật TC&QCKT đã cho thấy việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về TC&QCKT đã đạt được một số kết quả nhất định. Đối với cơ quan nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực TC&QCKT này dần đi vào nề nếp, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước; Phân công trách nhiệm quản lý hoạt động TC&QCKT giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương;
Quản lý chặt chẽ các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Các quy chuẩn kỹ thuật đã góp phần đưa ra biện pháp quản lý thống nhất đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh, môi trường cho người sử dụng;
Tiêu chuẩn hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách công, các quy định, đảm bảo yêu cầu đối với việc sản xuất, xuất nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, từ đó thuận lợi hóa việc lưu thông hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia.
Các quy trình, thủ tục tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia được hoàn thiện; quy định về thể thức trình bày, ghi số hiệu TCVN hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của ISO. Góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với yêu cầu thúc đẩy thương mại toàn cầu phải dựa trên nguyên tắc loại bỏ rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực ưu tiên như vật liệu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin, thực phẩm chế biến sẵn, ô tô xe máy, trang thiết bị y tế, thiết bị điện – điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm… ngày càng diễn ra mạnh mẽ và là nhu cầu tất yếu.
Đối với doanh nghiệp, đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam có gần 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hơn 60%. Việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa, thông qua đó ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và ổn định góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực.
Hệ thống TCVN, QCVN đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.
Đối với người tiêu dùng, với hệ thống hơn 13.000 TCVN và trên 800 QCVN bao trùm hầu như tất cả khía cạnh của cuộc sống như tiêu chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hàng ngày giúp người tiêu dùng đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng đối với người tiêu dùng. Ví dụ: QCVN về xăng dầu, nhiên liệu sinh học, QCVN về phương tiện giao thông, QCVN về PCCC, QCVN về vật liệu xây dựng, QCVN về an toàn công trình dân dụng, QCVN về lò đốt rác thải y tế, QCVN về khí thải xe ôtô, xe mô tô hai bánh, QCVN về kiểm soát môi trường…
Bất cập, hạn chế trong công tác triển khai thi hành Luật
Hệ thống văn bản pháp luật về TC&QCKTnhìn chung không phức tạp. Tuy nhiên, một số quy định lại có sự chồng chéo nhất định với quy định tại các Luật khác như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm.
Các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật TC&QCKT nhìn chung được ban hành rải rác, chưa đảm bảo tính kịp thời. Một số văn bản chậm được xây dựng, hoặc xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong thời gian quá dài, chất lượng văn bản chưa cao. Trong nội dung của các văn bản còn tồn tại một số bất cập như quy định chưa cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thống nhất, dẫn đến cách hiểu khác nhau… Một số quy định chưa thực sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thi hành pháp luật.
TC&QCKT là lĩnh vực có liên quan đến nhiều bộ, ngành và đòi hỏi phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật về TC&QCKT đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác nêu trên chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới việc nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau hoặc với Luật TC&QCKT (ví dụ: quy định Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định về “Thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm” còn mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật về TC&QCKT trong vấn đề công bố hợp quy, gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp).
Việc bảo đảm vai trò cơ quan đầu mối của hệ thống TC&QCKT của Bộ KH&CN đã được thể hiện rõ nét, chủ động, tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về TC&QCKT trong cả nước.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TC&QCKT nói chung và Luật TC&QCKT nói riêng cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được triển khai và đáp ứng yêu cầu của thực tế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức tăng cường hoạt động tuyên truyền về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng suất chất lượng, cảnh báo chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức chung của xã hội về TC&QCKT.
Việc xây dựng các công cụ tra cứu thông tin, tổ chức khai thác thông tin về TC&QCKTđã được triển khai, đáp ứng cơ bản nhu cầu. Bộ KH&CN đã tổ chức xây dựng phần mềm, website, cổng thông tin, cơ sở dữ liệu để các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu thông tin trực tuyến về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ KH&CN và các đơn vị trong Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như các cơ quan, tổ chức trong hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã hỗ trợ, phổ biến tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận miễn phí tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về trang thiết bị y tế (khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế, máy trợ thở…) phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu của xã hôi, doanh nghiệp vẫn rất lớn, trong khi nguồn lực lại hạn hẹp.
Việc thúc đẩy cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn. Hiện nay, vấn về xây dựng tiêu chuẩn đang đè nặng lên vai nhà nước. Điều này đã tạo ra sự khó khăn không nhỏ khi nguồn ngân sách tập trung cho xây dựng TCVN, QCVN còn rất hạn chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển và hội nhập, để đáp ứng nhu cầu xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đang thay đổi nhanh chóng và việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cần dựa trên nhu cầu thị trường với sự tham gia tự nguyện, rộng rãi của các bên có lợi ích liên quan như cơ quan quản lý, các tổ chức sản xuất-kinh doanh; các hội, hiệp hội chuyên ngành… thì yêu cầu xã hội hóa hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam là yêu cầu tất yếu, cần triển khai một cách bài bản và thích hợp. Nhu cầu thực tiễn cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang đi trước, tiếp nhận và sử dụng công nghệ mới, có nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau.
Do vậy, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học và các bên liên quan tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn. Đây cũng là thông lệ, mô hình của các nước phát triển trên thế giới trong hoạt động tiêu chuẩn.
Đối với công tác lập, triển khai kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN, Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ ràng về trách nhiệm, quy trình xây dựng TCVN, QCVN. Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng các chương trình quốc gia, kế hoạch, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các TC&QCKT do các bộ, ngành quản lý không bị chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; hướng dẫn bộ, ngành, địa phương trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch TCVN, QCVN, QCĐP của các bộ, ngành, địa phương đi vào nề nếp, khai thác hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống tiêu chuẩn.
Loại bỏ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trước đây khi các Bộ tự xây dựng tiêu chuẩn ngành (TCN). Các quy trình, thủ tục tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; quy định về thể thức trình bày, ghi số hiệu TCVN hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, IEC, góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Đông đảo đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia hội thảo.
Hằng năm, Bộ KH&CN chủ động đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch TCVN, QCVN, QCĐP đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực và những vấn đề thiết yếu khác của nền kinh tế – xã hội đất nước; phù hợp với yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia (WTO, EVFTA, CPTPP, RCEP…).
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, chủ yếu xuất phát từ sự phối hợp của các cơ quan liên quan hoặc thiếu quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong công tác lập, triển khai kế hoạch xây dựng QCVN hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, theo quy định hàng năm, Bộ Tài chính (Tổng cục dự trữ nhà nước) có các công văn đôn đốc và đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế – kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia. Các Bộ ngành có gửi kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế-kỹ thuật nhưng chưa triển khai theo như kế hoạch đã đăng ký hoặc còn triển khai rất chậm; quá trình tham gia ý kiến, xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ ngành chưa đúng theo thời hạn quy định (Bộ Tài chính phải có văn bản đôn đốc nhiều lần), dẫn tới thời gian ban hành văn bản chưa được kịp thời. Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước) chưa chủ động được trong việc đăng ký kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia do các Bộ quản lý.
Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật TC&QCKT đã quy định thẩm quyền ban hành QCVN cho các bộ, ngành. Tuy nhiên trên thực tế, một số đối tượng cụ thể có sự giao thoa, chồng chéo về phạm vị quản lý trong TCVN, QCVN thuộc thẩm quyền xây dựng của nhiều Bộ ngành (ví dụ: TCVN về bồn chưa nổi khí hóa lỏng NLG có sự giao thoa trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải; QCVN về muối ăn có sự chồng chéo quản lý nhà nước giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gây ảnh hưởng tới hoat động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do công tác lập quy hoạch, kế hoạch QCVN, TCVN của các bộ ngành thiếu tính hệ thống, việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đôi lúc chưa hiệu quả, ở mức độ nhất định vẫn còn tồn tại quan điểm “giữ sân, bao sân quản lý”.
Đối với công tác ban hành QCVN, so với số lượng mặt hàng thực tế các bộ, ngành đang quản lý thì số lượng mặt hàng có QCVN theo đúng quy định pháp luật còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các bộ, ngành sau khi ban hành QCVN, hoặc trường hợp không ban hành QCVN sau khi có kết luận thẩm định của Bộ KH&CN không gửi về Bộ KH&CN để đăng ký theo quy định hoặc không thông báo tới Bộ KH&CN dẫn đến tình trạng tổng hợp, cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn.
Đối với công tác xây dựng, ban hành QCĐP, hoạt động xây dựng, ban hành QCĐP thời gian qua phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, quy định trong Luật TC&QCKT đối với QCĐP lại khá chung chung, chưa cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng, áp dụng QCĐP tại các địa phương.
Ví dụ: Chưa quy định cụ thể trách nhiệm trong công tác lập kế hoạch xây dựng QCĐP nhằm đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo giữa các bộ, ngành, địa phương; các quy trình, thủ tục, nội dung xây dựng, tổ chức thẩm định QCĐP chủ yếu viện dẫn, tham khảo các điều khoản, quy định cho QCVN. Vì vậy, trong thực tế hiện nay, các địa phương khá bất cập, chưa thống nhất trong triển khai xây dựng, tổ chức thẩm định QCĐP.
Hoạt động thực thi Luật TC&QCKT chưa hiệu quả. Việc áp dụng các biện pháp chế tài trong hoạt động thực thi Luật TC&QCKT chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa phát huy được tốt nhất hiệu quả của các biện pháp chế tài.
Nhiều cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương có chung nhận định là trong các biện pháp được áp dụng để thực thi Luật TC&QCKT ở nước ta, biện pháp hành chính chiếm vai trò chủ đạo với mức xử phạt hành chính do các cơ quan thực thi áp dụng còn thấp đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực TC&QCKT, không đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm, tình trạng tái phạm xảy ra rất phổ biến.
Đồng thời, quy định mức xử phạt chưa hợp lý, không thống nhất đối với hành vi trong các văn bản hướng dẫn (ví dụ: không công bố tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất, nhập khẩu của văn bản hướng dẫn Luật TC&QCKT và trong buôn bán hàng hóa của văn bản hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá).
Mặt khác, có những hành vi trong thực tiễn có nhiều vi phạm nhưng chưa được Luật điều chỉnh (bảo hộ bản quyền tiêu chuẩn), gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan quản lý trong xử lý vi phạm. Điều này dẫn đến hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xã hội, người dân chưa được bảo vệ thỏa đáng, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh dẫn đến hiệu quả công tác thực thi LuậtTC&QCKT còn thấp.
Hệ thống các tổ chức, cơ quan liên quan đến hoạt động thực thi Luật TC&QCKT chưa hiệu quả. Hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực TC&QCKT hiện nay tương đối phức tạp, nhiều đầu mối và thiếu hiệu quả (gồm: Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực KH&CN, Chủ tịch UBND, Hải quan, Quản lý thị trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác).
Có cơ quan được trao thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng thực tế không có điều kiện để tổ chức thực hiện (UBND cấp huyện); có cơ quan không xác định được trách nhiệm giữa thẩm quyền được trao thêm (thẩm quyền xử phạt hành chính) với nhiệm vụ theo chức năng thường xuyên (nhiệm vụ điều tra, xác minh – của cơ quan công an). Trong khi đó, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chồng chéo nhau.
Năng lực của các cơ quan thực thi Luật TC&QCKT còn hạn chế. Đối với việc công bố hợp chuẩn, hợp quy tổ chức, cá nhân phải thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa tại các Sở chuyên ngành (Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục chuyên ngành(Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y…).
Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh của các Sở, Chi cục địa phương báo cáo quy định như hiện nay là chưa phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình quản lý vì các Sở, Chi cục chuyên ngành ở địa phương hiện không đủ khả năng, chuyên môn để nắm bắt được tất cả quy định đối với sản phẩm, hàng hóa nhất là các sản phẩm, hàng hóa có tính chất đặc thù, có tính chất đa ngành không thuộc lĩnh vực quản lý.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu, đặc biệt là tại các địa phương trong một số lĩnh vực chưa được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ dẫn đến việc thực thi Luật TC&QCKT chưa đảm bảo đầy đủ hiệu quả.
Hệ thống hỗ trợ cho công tác thực thi chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Qua tổng hợp ý kiến, đa số các bộ, ngành, địa phương có ý kiến về việc cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực các phòng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu cơ bản phải gửi đến đơn vị ngoài tỉnh (gửi mẫu về các thành phố lớn), gây mất nhiều thời gian và tốn chi phí làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý chuyên ngành; cán bộ thực hiện công tác quản lý tại một số lĩnh vực chưa được đào tạo chuyên sâu nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nhận thức, hiểu biết của xã hội về TC&QCKT còn hạn chế, chưa hình thành tập quán sử dụng các sản phẩm đảm bảoTC&QCKT, các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hóa vẫn còn tình trạng áp dụng quy định pháp luật một cách đối phó, dẫn đến sản phẩm được đưa ra thị trường không phù hợp TC&QCKT và chất lượng.
Việc thực hiện chế độ báo cáo, công tác thống kê, cơ chế cập nhật dữ liệu xử lý, xử phạt, cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, không kịp thời, dẫn đến việc các cơ quan có liên quan còn bị động, gặp khó khăn trong công tác thực thi; việc tổng hợp số liệu thống kê, nhận định, đánh giá về thực trạng và hiệu quả của công tác thực thi Luật TC&QCKT thường không đầy đủ, toàn diện và chính xác.
Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập
Về nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, việc tập hợp, hệ thống hóa các quy phạm pháp luật liên quan đến TC&QCKT chưa được thực hiện, đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ, dẫn đến văn bản mới ban hành dễ chồng chéo, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn với văn bản đang có hiệu lực.
Hệ quả là pháp luật có số lượng nhiều nhưng tính thống nhất, đồng bộ, khoa học và khả thi chưa cao. Chương trình rà soát, hệ thống hóa được thực hiện nhiều năm nhưng kết quả khá khiêm tốn. Việc hệ thống hóa chỉ được thực hiện ở mức độ tương đối và chủ yếu dựa vào nỗ lực đơn lẻ của các bộ, ngành, chưa phải là hoạt động mang tính toàn diện, thường xuyên, áp dụng đối với toàn bộ hệ thống pháp luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Thứ hai, còn thiếu những giải pháp đồng bộ để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt trong điều kiện hiện nay đòi hỏi phải có một hệ thống các giải pháp bảo đảm, bao gồm giải pháp tổ chức, cán bộ, nguồn lực trí tuệ, tài chính…
Cơ chế xây dựng pháp luật tuy đã được đổi mới, nhưng chưa phúc đáp đầy đủ nhu cầu xây dựng pháp luật hiện nay; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng pháp luật và triển khai thi hành luật chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng; chưa huy động được một cách có hiệu quả mọi nguồn lực cần thiết, đặc biệt nguồn lực trí tuệ cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi, tổ chức triển khai Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ ba, việc đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong một thời gian dài chưa đặt trên cơ sở khoa học vững chắc, còn mang nặng giải pháp tình thể.
Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình triển khai, thi hành Luật TC&QCKT trong một số trường hợp chưa đạt hiệu quả.
Thứ năm, trong nhiều lĩnh vực, trình độ phát triển khoa học công nghệ trong nước chưa bắt kịp các nước phát triển, nguồn lực dành cho TC&QCKT còn hạn chế, dẫn đến việc xây dựng, hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong một số trường hợp còn gặp khó khăn do thiếu nguồn lực, các điều kiện thiết yếu.
Thứ sáu, công tác tuyên truyền, phổ biển Luật TC&QCKT và các văn bản liên quan tuy đã đạt được những hiệu quả nhất định, giúp Luật TC&QCKT đi vào đời sống, tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực sự hiểu rõ vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cũng như lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn và lợi ích có được khi tham gia tích cực vào quá trình tiêu chuẩn hóa và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, cần phải tiếp tục quá trình tuyên truyền, phổ biến Luật TC&QCKT.
Về nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, các đối tượng điều chỉnh của pháp luật về TC&QCKT đang phát triển, thay đổi liên tục mà nếu không nắm được bản chất của chúng thì rất dễ cho ra đời các quy định không phù hợp với thực tế, đồng thời gây nên sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Thứ hai, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp điển hóa hiện nay ở nước ta lại được tiến hành trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên có những khó khăn khách quan nhất định.
Thứ ba, quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chưa đủ sức hút để đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, áp dụng TC&QCKT
Theo tcvn.gov.vn