Thực thi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau và quy chế quản lý hài hòa các thiết bị điện và điện tử của ASEAN
Đăng ngày: 09:42 13-03-2023
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về điện điện tử của ASEAN (ASEAN EE MRA) được ký kết vào ngày 5 tháng 4 năm 2002 như một sáng kiến hỗ trợ thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA). ASEAN EE MRA có mục tiêu tăng cường hợp tác về quản lý thiết bị điện và điện tử nhằm giảm các hạn chế trong thương mại giữa các Quốc gia Thành viên. ASEAN EE MRA được mô phỏng theo Thỏa thuận khung ASEAN về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau và quy định thỏa thuận theo đó các Quốc gia thành viên ASEAN (AMS) chấp nhận các báo cáo thử nghiệm do các Tổ chức thử nghiệm được chỉ định cấp và kết quả chứng nhận do Tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp chứng minh sự phù hợp của thiết bị điện và điện tử với các quy định của các Quốc gia Thành viên.
ASEAN EE MRA đặc biệt hữu ích khi một sản phẩm điện điện tử (EEE) nhất định được quy định tại quốc gia nhập khẩu, theo đó việc tuân thủ quy định của nước nhập khẩu đó là bắt buộc. Quy định thường yêu cầu sản phẩm tuân thủ các yêu cầu về an toàn/chất lượng và sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia làm cơ sở tuân thủ. Trước khi có ASEAN EE MRA, một số quốc gia thành viên không cho phép thử nghiệm sản phẩm từ quốc gia xuất khẩu do họ không kiểm soát năng lực của phòng thử nghiệm. Điều này làm chậm quá trình đưa hàng hóa ra thị trường vì sản phẩm chỉ có thể được kiểm tra khi đến cảng và không thể xuất xưởng hoặc bán nếu không cho thấy sản phẩm tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia. Hạn chế về thử nghiệm này làm tăng thêm sự chậm trễ trong việc xử lý chứng chỉ phê duyệt cho sản phẩm. Nếu sản phẩm không đạt thử nghiệm, thì lỗi đó phải được khắc phục hoặc sản phẩm phải được tái xuất khẩu về quốc gia xuất xứ, đây là một quá trình rất tốn kém và mất thời gian.
ASEAN EE MRA giải quyết những lo ngại đó và đã được sử dụng rộng rãi trong khu vực. Tính đến năm 2023, có 14 phòng thử nghiệm và 8 tổ chức chứng nhận được chỉ định trong ASEAN EE MRA và được nước nhập khẩu công nhận. Trong đó, Việt Nam có 2 tổ chức thử nghiệm và 1 tổ chức chứng nhận thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được chỉ định là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (tổ chức thử nghiệm được chỉ định) và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (tổ chức thử nghiệm và tổ chức chứng nhận được chỉ định).
Thể chế hài hòa quản lý thiết bị điện và điện tử ASEAN (AHEEERR) được ký kết vào ngày 9 tháng 12 năm 2005 và được thiết kế để thúc đẩy hơn nữa các cam kết xây dựng AMS dựa trên nguyên tắc công nhận/chấp nhận được quy định trong ASEAN EE MRA. Không giống như ASEAN EE MRA, AHEEERR yêu cầu AMS áp dụng các yêu cầu chung đối với các quy định kỹ thuật nhất quán với các quy định về yêu cầu thiết yếu của AHEEERR.
AHEEERR nhằm mục đích tăng cường loại bỏ các rào cản thương mại kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý EEE trong ASEAN. Các chức năng chính của AHEEERR như sau:
• Áp dụng cho tất cả các nước thành viên quản lý thiết bị điện và điện tủ (EEE) và mỗi nước thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng các luật và quy định kỹ thuật liên quan tương thích với AHEEERR;
• Các nước thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu thiết yếu được xác định chung về an toàn, môi trường (cụ thể là về hiệu quả năng lượng) và Tương thích điện từ (EMC);
• Các tiêu chuẩn hài hòa được thống nhất trong JSC EEE sẽ được áp dụng cho các EEE được quản lý của các nước thành viên;
• Các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định có thể cấp giấy chứng nhận sự phù hợp (CoC) cho các sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn và CoC sẽ được tất cả các bên khác của AHEEERR công nhận.
Việc triển khai AHEEERR hiện nay đang tập trung vào sáu (6) EEE, cụ thể là: (i) Quạt điện, (ii) Bàn là điện, (iii) Nồi cơm điện, (iv) Tủ lạnh, (v) Máy giặt và (vi) Ti vi.
Sổ tay thông tin về AHEEERR (AHEEERR Information Booklet) được xây dựng và đã được ACCSQ thông qua vào ngày 4/1/2023. Cuốn sổ tay này cung cấp hướng dẫn và cơ chế triển khai AHEEERR.
Việc thực hiện ASEAN EE MRA và AHEEERR hiện nay được giám sát bởi Ủy ban hỗn hợp về điện và điện tử (JSC EEE) bao gồm các đại diện đến từ Cơ quan quản lý của mười nước thành viên ASEAN. Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam được phân công là đầu mối đại diện của Việt Nam tham gia vào JSC EEE. Kể từ khi triển khai ASEAN EE MRA và AHEEERR, nhóm công tác JSC EEE đã triển khai họp thường niên 2 lần/năm. Trong đại dịch Covid 19, nhóm vẫn duy trì đều đặn các cuộc họp trực tuyến. Kể từ năm 2023, nhóm thống nhất mỗi năm tổ chức 1 hội nghị trực tuyến và 1 hội nghị trực tiếp; hội nghị trực tiếp được tổ chức luân phiên tại các nước thành viên.
Gần đây nhất, JSC EEE đã tổ chức hội nghị lần thứ 35 được tổ chức trực tuyến trong hai ngày 7 và 8 tháng 3. Tại hội nghị này, nhóm tiếp tục xem xét việc chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong khuôn khổ ASEAN EEE MRA và thống nhất phạm vi của 6 sản phẩm đang được xem xét triển khai AHEEER và xem xét hoàn thiện quy trình chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp theo AHEEERR để có thể thông qua vào năm 2023. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà cho hội nghị lần thứ 36 và dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 12-14 tháng 9 năm 2023.
Hội nghị JSC EEE lần thứ 35 được tổ chức trực tuyến vào ngày 7/3/2023
Trưởng đoàn Việt Nam: Bà Lương Hoàng Anh – Phó trưởng phòng – Phòng Tiêu chuẩn Chất lượng Điện-Điện tử – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam
Lương Hoàng Anh – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam