Lan tỏa hơn nữa ý nghĩa, giá trị của GTCLQG và hoạt động quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc
Đăng ngày: 10:13 08-06-2022
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc; đang triển khai xây dựng Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia, đồng thời Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục TCĐLCL) đã trình Chính phủ bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, truy xuất nguồn gốc được biết đến như là nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0. Việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay.
Về triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho hay, thực tế triển khai cho thấy doanh nghiệp đoạt giải hằng năm thực sự là những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Đến nay đã có 2030 lượt doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó có 280 doanh nghiệp xuất sắc được tặng Giải vàng Chất lượng Quốc gia. Đồng thời, 52 doanh nghiệp đạt Giải vàng Chất lượng quốc gia được cử đi tham dự và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.
“Với sự tham dự của gần 350 đại biểu đến từ các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và các thành viên hội đồng sơ tuyển, chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp và đại biểu khác, tôi hy vọng Hội thảo tập huấn về Truy xuất nguồn gốc và GTCLQG sẽ lan toả thông tin về tầm quan trọng của hoạt động truy xuất nguồn gốc và vai trò của GTCLQL trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Đây sẽ là diễn đàn để Hội đồng sơ tuyển các tỉnh, thành có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn quá trình triển khai hoạt động Giải thưởng, qua đó tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Giải thưởng tại địa phương mình”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Cũng tại Chương trình, thay mặt Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Phước Đức – Phó Giám đốc Sở cho hay, Chương trình Hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp tham gia GTCLQG nắm bắt kiến thức, kỹ năng để xây dựng, hoàn thiện các báo cáo và hồ sơ tham dự GTCLQG đảm bảo đúng quy định; giúp lực lượng chuyên gia, đánh giá GTCLQG tại địa phương có thêm kiến thức, kỹ năng hỗ trợ DN tham gia GTCLQG, cũng như giúp Hội đồng sơ tuyển trong việc đánh giá, thẩm định hồ sơ tham dự của DN một cách hiệu quả nhất.
Ông Lê Phước Đức - Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, thông qua Hội thảo về truy xuất nguồn gốc giúp cán bộ, công chức, viên chức, nắm bắt thông tin, hiểu rõ hơn hoạt động quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, phục vụ công tác quản lý trong phạm vi, lĩnh vực được phân công đạt hiệu quả thiết thực.
“Chương trình hội thảo sẽ là cầu nối, tạo sự gắn kết cho các cơ quan quản lý tại địa phương, là dịp để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình triển khai nhiệm vụ, không chỉ đối với hoạt động GTCLQG, truy xuất nguồn gốc, mà còn hỗ trợ trong các hoạt động chuyên môn khác”, ông Đức khẳng định.
Toàn cảnh Chương trình.
Trong khuôn khổ Chương trình, các đơn vị tham gia đã trình bày tham luận liên quan đến vấn đề tổng quan về GTCLQG và mô hình tự đánh giá hiệu quả HTQL theo các tiêu chí GTCLQG; Kinh nghiệm triển khai hoạt động GTCLQG tại tỉnh Long An; Quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc; Tổng quan các TCVN về truy xuất nguồn gốc đã được ban hành và các tiêu chuẩn đang được xây dựng; Tổng quan về triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc…
Chương trình được tổ chức với mục đích tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá - dịch vụ, hoàn thiện mô hình hoạt động. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin hoạt động quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc đã được Bộ KH&CN công bố cũng như lan tỏa ý nghĩa, giá trị của Giải thưởng CLQG để Giải thưởng phát triển trên bình diện rộng lớn, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia hơn.
Thời gian qua, Sở KH&CN Khánh Hòa đã nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh, triển khai có hiệu quả hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và đạt được những kết quả nhất định. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian 05 năm gần đây, từ năm 2015 - 2020, tỉnh Khánh Hòa có đến 07 lượt doanh nghiệp đạt giải.
Trong đó, 02 Doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; 03 Doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, 02 Doanh nghiệp đạt Giải thưởng Châu Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2022, Sở KH&CN tiếp tục nhận được, sự tham gia của 03 doanh nghiệp tiểu biểu. Qua đó có thể thấy, hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã góp phần, phát triển phong trào năng suất chất lượng tại địa phương.
Đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc, Sở KH&CN đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh, ban hành Kế hoạch, để triển khai Đề án, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung Tâm mã số, mã vạch Quốc gia trong việc lập Đề án “Xây dựng, và áp dụng, hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá chủ lực, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà”.
Hà My (tcvn.gov.vn)