Nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp sinh thái?

Đăng ngày: 15:31 16-06-2022

Nông nghiệp thâm canh gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hệ sinh thái: thông qua tăng cường các đầu tư hóa học và cơ khí nhằm tăng sản lượng thu hoạch (dưới dạng sinh khối) từ hệ thống. Các tác động này dẫn đến ô nhiễm và suy thoái tài nguyên – làm giảm sút sức sản xuất của hệ sinh thái nông nghiệp, chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người.

 

Nhà kính phủ trắng và bủa vây Đà Lạt, phá vỡ cảnh quan và thay đổi hệ sinh thái ở nơi này. Nguồn: Zing.

Nhà kính phủ trắng và bủa vây Đà Lạt, phá vỡ cảnh quan và thay đổi hệ sinh thái ở nơi này. Nguồn: Zing.

 

Bài viết này sẽ phân tích tóm lược cấu trúc của hệ sinh thái nông nghiệp và mối quan hệ phụ thuộc giữa con người và chất lượng hệ sinh thái nói chung và hệ sinh thái nông nghiệp nói riêng. Từ đó cho thấy việc cố gắng kiểm soát tự nhiên như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lạm dụng hóa chất và trang thiết bị ở qui mô lớn sẽ có những tác động có hại tới hệ sinh thái và thậm chí sẽ dẫn đến thất bại cho phúc lợi toàn xã hội hơn là thành công.

Cấu trúc hệ sinh thái nông nghiệp

Hệ sinh thái nông nghiệp (HSTNN) bao gồm các thành phần: hóa học (chất lượng đất, nước, không khí…); vật lý (các yếu tố thời tiết, khí hậu, bức xạ mặt trời…); sinh học (thành phần và cấu trúc các loài) và chịu tác động của con người.

Các thành phần trong hệ sinh thái tác động qua lại nhau rất phức tạp với sự hiện diện của hàng trăm, ngàn yếu tố, và đến nay, khoa học cũng chưa hiểu biết nhiều về các tác động này nhưng biết chắc chắn rằng có sự tác động và chi phối qua lại giữa các yếu tố của các thành phần cấu trúc lên hệ sinh thái. VD: việc tăng cường bón đạm nhằm tăng năng suất cây trồng có thể gây suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước (nước mặt, nước ngầm), ô nhiễm không khí (do phát tán khí N), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (N tích tụ trong sản phẩm)….hoặc khi chúng ta tăng cường sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), chúng ta sẽ làm tổn thương hệ sinh thái.

Một đặc tính quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên là tính động lực của nó: có nghĩa là, chúng thường dao động xung quanh một điểm cân bằng. Chính khả năng dao động này đã giúp hệ sinh thái bền vững theo thời gian. Tuy nhiên, trong HSTNN, tác động của con người – ví dụ như làm suy giảm đa dạng sinh học ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn - đã làm sự dao động tăng lên và tạo ra nhiều rủi do hơn. Như một guồng quay, để hạn chế các rủi do này, người dân buộc phải đầu tư nhiều hơn nữa (VD: phân bón & thuốc BVTV) – đây chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mà chúng ta đang phải đối mặt: thu nhập của nông dân giảm sút (do đòi hỏi đầu tư tăng), xã hội khủng khoảng về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… Các nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt về chi phí đầu tư giữa hệ sinh thái chưa bị ô nhiễm và hệ sinh thái bắt đầu chịu tác động của thuốc BVTV nhằm tăng năng suất; và hệ sinh thái đã bị ô nhiễm do thuốc BVTV. Thực tế cho thấy, khi môi trường đã bị ô nhiễm, không chỉ chi phí đầu tư tăng, mà sản lượng cây trồng thậm chí sụt giảm.

Trong một hệ sinh thái chưa ô nhiễm, lợi ích của người sản xuất đạt được là cao nhất, vì khi đó họ thu nhận được nhiều lợi ích nhất từ các dịch vụ sinh thái tự nhiên như: kiểm soát sinh học, tái tạo đất và dinh dưỡng đất, khả năng giữ nước của đất... Ví dụ: xét về hiệu quả sử dụng năng lượng thì trong hệ thống sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa của người Mỹ, 1 calo năng lượng bỏ ra chỉ thu được từ 2-5 calo năng lượng thức ăn, trong khi đó ở hệ thống sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Trung Quốc, 1 calo năng lượng đầu vào có thể thu về từ 20-50 calo năng lượng thức ăn – gấp 10 lần hơn so với người Mỹ (Rambo and Sajise, 1984).

Những cố gắng của con người trong mưu cầu tăng thu nhập trên cơ sở thâm canh cây trồng quá mức đã dẫn đến những thay đổi về chất lượng dịch vụ sinh thái của HSTNN. Ví dụ: pH của đất trồng tăng lên cùng với việc tăng hệ số sử dụng đất (cropping index). Tương tự, những cố gắng và khích lệ của chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường sản xuất lúa gạo để áp ứng nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu trong nhiều thập kỷ qua, được xem là một trong số nguyên nhân quan trọng dẫn đến thảm họa môi trường ở ĐBSCL hiện nay: thiếu nước sản xuất và nhiễm mặn nghiêm trọng như đã xảy ra trong thời gian qua (Perlezmay, 2016).

Bốn thuộc tính của nông nghiệp bền vững

Các nhà khoa học đã xác định 17 dịch vụ sinh thái của hệ sinh thái tự nhiên cung cấp cho con người, trong đó 3 dịch vụ sinh thái đặc trưng của hệ sinh thái nông nghiệp, gồm: sự thụ phấn, kiểm soát sinh học, và sản xuất lương thực. Ước tính giá trị phi thị trường của các dịch vụ sinh thái từ hệ sinh thái toàn cầu vào khoảng 16-54 nghìn tỷ USD/năm (Costanza, d’Arge et al., 1997).

HSTNN chiếm khoảng 28-37% diện tích bề mặt trái đất. Các dịch vụ sinh thái của HSTNN có giá trị nhỏ trên đơn vị diện tích so với các hệ sinh thái khác. Tuy nhiên tổng giá trị dịch vụ sinh thái toàn cầu sẽ khó thể tăng lên nếu không có những tăng trưởng có ý nghĩa của các dịch vụ sinh thái của HSTNN. Theo số liệu tính toán, giá trị dịch vụ sinh thái phi thị trường của HSTNN dao động từ 50-70% tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái (Porter, Costanza et al., 2009) (xem Bảng 1). Các giá trị phi thị trường này sẽ giảm sút tùy theo cách thức sử dụng đất và tác động của con người – và ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của HSTNN cũng như phúc lợi của con người.

 

.

 

HSTNN gồm 4 thuộc tính chính: Sức sản xuất; Tính ổn định; Tính bền vững; và Sự công bằng. Sức sản xuất là lượng sinh khối tạo ra/đơn vị diện tích & thời gian. Tính ổn định là mức độ ở đó sức sản xuất được duy trì trong điều kiện những rối loạn nhỏ do các yếu tố môi trường gây lên. Tính bền vững là thuộc tính chi phối đến sức sản xuất của hệ thống trong điều kiện những rối loạn lớn hơn. Sự công bằng đơn giản là sự phân chia thành phẩm cho các cá nhân trong hệ thống (Conway, 1993). Sau này, khái niệm “nông nghiệp bền vững” là bao gồm tất cả 4 thuộc tính này (Ví dụ: U.S. Code Title 7, Section 3103).

Các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững phải dựa trên cơ sở 4 thuộc tính chính này. Tuy nhiên trong thực tế, chính phủ và người dân Việt Nam hầu hết chỉ chú trọng đến thuộc tính thứ nhất – Sức sản xuất (năng suất thu hoạch) trong suốt thời gian qua. Vai trò của các dịch vụ sinh thái mà hệ thống cung cấp thường bị lãng quên, coi thường, hoặc lờ đi… trong các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, cũng như trong mỗi hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng ngày của người dân. Những tác hại đến hệ sinh thái do dùng hóa chất và cách hình thức canh tác thiếu bền vững khác, thường được bù đắp bằng đầu tư hóa học hoặc cơ khí tăng lên.

Lựa chọn nào cho chính sách phát triển nông nghiệp Việt Nam?

Sự tàn phá các dịch vụ sinh thái đã đẩy chúng ta vào tình thế đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, và những căng thẳng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, thay vì tìm cách sửa chữa và phục hồi lại các dịch vụ sinh thái này qua những điều tiết vĩ mô và vi mô, Việt Nam dường như đang lựa chọn con đường khác: đó là tăng cường kiểm soát của con người với HSTNN thông qua đầu tư lớn – nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Bản chất của NNCNC là tạo môi trường sản xuất nông nghiệp tách biệt hơn và được kiểm soát nhiều hơn như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu, dinh dưỡng, hệ thống điều khiển tự động…. Bởi vậy, nếu áp dụng NNCNC đồng loạt ở qui mô lớn sẽ khiến các dịch vụ sinh thái sẽ tiếp tục bị tổn thương hơn nữa: Ví dụ: dòng chảy, khả năng cho thấm nước của đất, thụ phấn tự nhiên, phong hóa và hình thành đất, tái tạo dinh dưỡng đất… đặc biệt là đa dạng sinh học – yếu tố chi phối sống còn đến sự bền vững của chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn trong tự nhiên – chi phối trực tiếp đến việc thực hiện chức năng của hệ sinh thái và phúc lợi của con người.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu nông nghiệp đã cảnh báo và chỉ ra, những đòi hỏi đầu tư lớn của NNCNC sẽ làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo vốn đã trở lên căng thẳng ở các vùng nông thôn trong suốt thời gian qua. Có thể nhìn thấy bài học của Ấn Độ là những người dân nghèo, thiếu đất canh tác lúa nước ở vùng Chandigar, Ấn Độ đã cố tình phá hủy hệ thống tưới tiêu (Ramboo, 1983). Những người dân nghèo, trước những bất công do hệ thống tạo ra và bất lực để thay đổi trong nhiều trường hợp đã cố tình tàn phá môi trường sống – phúc lợi chung của cả người giàu và người nghèo (Scott, 1985).

Về lâu dài, sức sản xuất của hệ sinh thái nông nghiệp và chất lượng nông sản bị chi phối và quyết định bởi các dịch vụ sinh thái hỗ trợ như chất lượng đất, nước, và đa dạng sinh học… chứ không phải là các thiết bị công nghệ cao (nhà lưới, phân bón tổng hợp, thuốc BVTV, hệ thống tưới đắt tiền…). Bởi vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên rộng khắp, và áp lực dân số như hiện nay, việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nông nghiệp phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu phát triển quốc gia, đặc biệt với nền tảng khoa học kỹ thuật và dịch vụ còn thấp như Việt Nam.

Trong điều kiện Việt Nam, các chính sách cần phải chú trọng đến việc phục hồi chất lượng của các dịch vụ sinh thái – đã bị tàn phá và giảm sút nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua do việc lạm dụng các đầu tư hóa học, cơ giới hóa, và những qui hoạch phát triển nông nghiệp thiếu khoa học và thiếu những quan tâm đến việc bảo vệ và duy trì các dịch vụ sinh thái.

Do đó, nông nghiệp sinh thái – chứ không phải chỉ tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao - phải được xem là một lựa chọn thay đổi cho nền nông nghiệp thâm canh hóa học hiện nay. Nông nghiệp sinh thái nhằm tăng cường năng lực sáng tạo của người dân trong các chiến lược thích ứng của họ nhằm thu được thành quả sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất trên đồng vốn đầu tư, bền vững (bảo vệ được các dịch vụ sinh thái), cũng như đảm bảo chất lượng nông sản, và sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng nói chung.

Rất tiếc, tư tưởng và cách tiếp cận “hiện đại hóa” nông nghiệp đã chi phối quá lớn đối với tiến trình hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hơn 30 năm qua. Cơ khí hóa, hóa học hóa nông nghiệp cho kết quả nhanh chóng và dễ thấy - nhưng cái giá phải trả cho hậu quả của cách tiếp cận này, là khó thấy và chắc chắn còn nhiều hơn thế. Khủng hoảng VSATTP, suy giảm cơ hội xuất khẩu nông sản, ô nhiễm tài nguyên đất nước, ô nhiễm môi trường sống, phúc lợi của người dân giảm sút…như hiện nay ở Việt Nam là một phần minh chứng rõ nhất cho điều đó!

Tài liệu tham khảo

Baczynska. G., Abnett. K., (2020). European politicians, CEOs, lawmakers urge green coronavirus recovery. SUSTAINABLE BUSINESS (APRIL 14).

Conway, G. R. (1993). “Agroecosystem Analysis “ ICCET Series E 1.

Costanza, R., d’Arge, R., et al. (1997). “The value of the world’s ecosystem services and natural capital.” Nature 387.

Darwin, C. (1859). On the Origin of Species. London, John Murray.

Chapin III, F. S. C., Zavaleta, E. S., et al. (2000). “Consequences of changing biodiversity.” Nature 405.

MalayangIII, B. S. (2000). The state of our environment. The Philippine Environmental Security in the 21st Century Conference, August, 2000. Manila, the Philippines.

Mol, A. P. J. (1995). The refinement of production: Ecological modernization theory and the chemical industry. the Netherlands, University of Amsterdam.

Perlezmay, J. (2016). Drought and ‘Rice First’ Policy Imperil Vietnamese Farmers. The New York Times.

Porter, J., Costanza, R., et al. (2009). “The Value of Producing Food, Energy, and Ecosystem Services within an AgroEcosystem.” A Journal of the Human Environment 38(4): 186-193.

Rambo, A. T. and Sajise, P. E. (1984). Introduction: Human Ecology Research in Agriculture in Southeast Asia. An Introduction to Human Ecology Research On Agricultural Systems in Southeast Asia. A. Terry Rambo and P. E. Sajise, UP Los Banos, Philippines.

Ramboo, A. T. (1983). Conceptual approach to human ecology. Hawaii 96848, East-West Environment and Policy Institute.

Scott, J. C. (1985). Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance, Yale University Press.

Wilson, C. and Tisdell, C. (2001). “Why farmers continue to use pesticides despite environmental, health and sustainability costs.” Elsevier: Ecological Economics 39: 449-461.

Cùng chuyên mục