ISO 14024:2018 - NỀN TẢNG CHO KINH TẾ 'LOW CARBON'

Đăng ngày: 16:19 16-01-2024

Giới thiệu

ISO 14024:2018 được ban hành ngày 09/3/2018 với nội dung là "Nhãn môi trường và công bố môi trường - Ghi nhãn môi trường kiểu I - Nguyên tắc và thủ tục”, cung cấp hướng dẫn cho các chương trình ghi nhãn môi trường Loại I.

Tiêu chuẩn này nằm trong bộ 3 tiêu chuẩn về nhãn môi trường gồm: ISO 14024:2018 Nhãn môi trường và công bố môi trường - Ghi nhãn môi trường kiểu I - Nguyên tắc và thủ tục; ISO 14021:2016/ Amd 1:2021 Nhãn môi trường và công bố về môi trường - Tự công bố về môi trường (ghi nhãn môi trường kiểuu II); ISO 14025 : 2006 Nhãn môi trường và công bố môi trường - Ghi nhãn môi trường kiểu III - Nguyên tắc và thủ tục (hiện đang ở trạng thái ISO/WD).

Bảng diễn giải dưới đây tóm tắt sự khác nhau giữa các tiêu chuẩn về nhãn môi trường:

Lịch sử hình thành ISO 14024

Kể từ khi ISO 14024 được ban hành lần đầu vào tháng 3 năm 1999, bối cảnh chung của môi trường thế giới đã trải qua những biến đổi đáng kể. Nhận thấy mối quan tâm toàn cầu ngày càng tăng đối với việc bảo vệ môi trường, đồng thời việc dán nhãn sinh thái nổi lên như một phản ứng nhằm mục đích biến ý thức về bảo vệ môi trường thành xu thế sử dụng các sản phẩm và dịch vụ bảo vệ môi trường. Việc sử dụng nhãn môi trường trên các sản phẩm tiêu dùng đã giúp cho người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm thân thiện môi trường, đồng thời doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ môi trường.

Chính phủ các nước cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để giám gánh nặng xử lý ô nhiễm môi trường.

Những nội dung chính trong ISO 14024:2018

1. Phạm vi áp dụng

Giới thiệu phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này đối với các sản phẩm, tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm để đánh giá và chứng minh sự tuân thủ.

2. Tài liệu viện dẫn

Viện dẫn tới tiêu chuẩn ISO 14020 đưa ra các nguyên tắc chung về nhãn môi trường và công bố môi trường.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Giải thích chi tiết cụ thể 16 thuật ngữ được sử dụng trong tiêu chuẩn này.

4. Mục tiêu của ghi nhãn môi trường kiểu I

Mục tiêu của chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I là góp phần giảm bớt các tác động môi trường của sản phẩm được sản xuất.

5. Nguyên tắc

Bám sát 11 nguyên tắc được nêu trong tiêu chuẩn ISO 14020.

6. Thủ tục

Nêu rõ các thủ tục gồm: Tham vấn ý kiến các bên quan tâm; Lựa chọn chủng loại sản phẩm; Xây dựng, xem xét lại và sửa đổi các tiêu chí môi trường của sản phẩm; Xác định những đặc tính chức năng sản phẩm; Thiết lập các thủ tục chứng nhận và các yếu tố hành chính khác của chương trình.

7. Chứng nhận và sự tuân thủ

Quy định chi tiết về thủ tục chứng nhận và chứng minh sự phù hợp.

Hình 2. Các loại Nhãn sinh thái trên thế giới

Lợi ích lâu dài khi áp dụng ISO 14024

Tác động môi trường: Giảm thiểu tác động môi trường: Mục tiêu chung của nhãn môi trường và công bố môi trường là thông qua việc trao đổi những thông tin chính xác và có thể kiểm tra xác nhận được, không gây hiểu lầm về các khía cạnh môi trường của sản phẩm, để khuyến khích cung và cầu sản phẩm gây sức ép ít hơn đối với môi trường, qua đó kích thích cải thiện môi trường liên tục theo định hướng thị trường..

Thúc đẩy phát triển bền vững: Dán nhãn sinh thái môi trường loại I có thể giúp thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thực hành sản xuất và tiêu dùng bền vững. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường và hướng tới ESG.

Tăng cường niềm tin của người tiêu dùng: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tác động môi trường của sản phẩm và dịch vụ họ mua. Dán nhãn môi trường kiểu I có thể giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin đáng tin cậy về hiệu suất môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Khía cạnh kinh tế- xã hội:

Tăng khả năng cạnh tranh: Các sản phẩm và dịch vụ được dán nhãn sinh thái môi trường kiểu I có thể được coi là có lợi cho môi trường và có thể thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tạo ra lợi thế kinh tế: Dán nhãn sinh thái môi trường kiểu I có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bằng cách giảm thiểu tác động môi trường của sản phẩm và dịch vụ của họ. Điều này có thể dẫn đến tăng lợi nhuận và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Tạo ra việc làm: Dán nhãn sinh thái môi trường kiểu I có thể tạo ra việc làm mới trong các lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển, sản xuất và cung cấp dịch vụ. Điều này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân.

Hình 3. Tạp chí của ISO dành riêng một kỳ viết về Nhãn môi trường. 

Sự tham gia của các bên liên quan trong phát triển nhãn sinh thái môi trường kiểu I

Các bên liên quan trong ngành sản xuất/cung ứng dịch vụ: Các công ty tham gia sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ được khuyến khích áp dụng ISO 14024:2018. Việc triển khai áp dụng dãn nhãn sinh thái môi trường kiểu I theo ISO 14024:2018 không chỉ nâng cao trách nhiệm với môi trường mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh xu thế bảo vệ môi trường đang được các quốc gia ngày càng quan tâm.

Trong một số ngành nghề, ví dụ ngành dệt may, Global Organic Textile Standard (GOTS): Yêu cầu: Sử dụng sợi hữu cơ, tuân thủ tiêu chí môi trường và xã hội trong toàn bộ quá trình sản xuất và được chứng nhận bởi bên thứ 3. Tại Việt Nam, nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định các tiêu chí về nhãn xanh mà tổ chức phải báo cáo để được cấp Nhãn sinh thái Việt Nam.

Các cơ quan Chính phủ: Các cơ quan Chính phủ trong khu vực và quốc tế nên xem xét triển khai các chương trình dán nhãn sinh thái môi trường kiểu I tới doanh nghiệp dưới hình thức hỗ trợ và khuyến khích sự tự nguyện của các doanh nghiệp để đáp ứng sự phù hợp với ISO 14024:2018. Điều này giúp các Chính phủ có thêm phương án xử lý vấn đề môi trường tại các quốc gia. Bên cạnh đó, việc khuyến khích triển khai dán nhãn sinh thái môi trường kiểu I sẽ thúc đẩy nền kinh tế bền vững, nền kinh tế “Low Carbon”.

Nhóm người tiêu dùng: Người tiêu dùng và nhóm ủng hộ môi trường được khuyến khích tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mang nhãn sinh thái môi trường kiểu I vì nó biểu thị sự lựa chọn đáng tin cậy và thân thiện với môi trường. Điều này giúp cho nhóm người ủng hộ môi trường phát triển các dịch vụ cũng như lan toả sản phẩm bảo vệ môi trường trong xã hội.

Như vậy, ISO 14024:2018 phiên bản mới là bước tiến quan trọng trong việc hướng dẫn chương trình ghi nhãn môi trường. Mở rộng phạm vi, tăng cường độ tin cậy, tuân thủ nguyên tắc trong ISO 14020 và nâng cao năng lực của bên kiểm tra xác nhận là những nội dung chính. Đối với doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và người tiêu dùng, việc tham gia ISO 14024:2018 không chỉ là cam kết bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội xây dựng cộng đồng và kinh tế bền vững với nền tảng nền kinh tế xanh - Nền kinh tế “Low Carbon”.

Ths. Trần Anh Tuấn - Vũ Việt Linh (QUACERT)

Cùng chuyên mục