Tọa đàm trực tuyến: ‘Chiến lược tiêu chuẩn hóa và sự phát triển bền vững’
Đăng ngày: 15:23 15-03-2023
Chiều ngày 14/03/2023, tại Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) diễn ra Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chiến lược tiêu chuẩn hóa và sự phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là khi nước ta đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài lợi thế về mở rộng thị trường, giao thương, xuất khẩu hàng hoá, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa, đòi hỏi hoạt động này cần đổi mới, xác định con đường mới để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức phải đối mặt như đại dịch Covid-19, suy thoái tài nguyên...
Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 là hết sức cần thiết, là chính sách quan trọng mang tính định hướng, nền tảng để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn một cách tổng thể đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn có tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.
Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm.
Từ những ý nghĩa nêu trên, ngày 09/06/2022, Bộ KH&CN có Công văn số 1333/CV-BKHCN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát và đề xuất xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030. Ngày 14/06/2022, Tổng cục TCĐLCL đã ký Công văn số 1560/TĐC-TC gửi các bộ, ngành, địa phương, trường đại học đề nghị báo cáo công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành.
Ngày 21/07/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4560/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030. Ngày 03/02/2023 tại Quyết định số 48/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đã được đưa vào chương trình.
Nhằm trao đổi, làm rõ hơn những nội dung về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, cũng như mục tiêu, định hướng của tiêu chuẩn với sự phát triển bền vững đất nước, Chất lượng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các vị khách mời:
+ Ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng Cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Ông Phùng Mạnh Trường – Phó viện trưởng Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục TCĐLCL.
+ Ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc R&D Tập đoàn Kangaroo.
MC: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Nguyễn Văn Khôi! Thưa ông, ông có thể cho quý độc giả biết đâu là lý do chúng ta cần xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia?
Ông Nguyễn Văn Khôi: Chúng ta đều biết rằng với xu thế hiện nay có rất nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Không riêng thị trường trong nước mà đối với xuất khẩu hàng hóa cũng gặp nhiều rào cản kỹ thuật. Về mặt chính sách, Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP... Đồng thời, bản thân nội tại chúng ta cũng gặp nhiều thách thức từ hàng hóa nhập khẩu vào.
Do đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Từ trước đến nay, các bộ, ngành chủ yếu xây dựng tiêu chuẩn mang tính chất giải quyết vấn đề trước mắt. Khi phát sinh một vấn đề nào đó thì sẽ đưa vào kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên về mặt bài bản các tổ chức quốc tế như ISO, IEC... và các tổ chức khác ở các quốc gia công nghiệp phát triển đều có chiến lược để định hướng phát triển kinh tế, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vì vậy, vấn đề xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa từ nay đến năm 2045 là vô cùng quan trọng, nhằm phục vụ cho thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu cũng như phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn.
MC: Thưa ông, với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – đơn vị nghiên cứu hàng đầu về tiêu chuẩn hóa, các chuyên gia, nhà khoa học của Viện đã tham gia và đóng góp ý kiến như thế nào trong quá trình xây dựng chiến lược này?
Ông Phùng Mạnh Trường: Với vai trò, vị trí là một đơn vị trực thuộc Tổng cục TCĐLCL, khi có chủ trương, định hướng về xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, chúng tôi nhận thấy rằng đây là chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Chúng tôi cũng xác định, dù là doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập như chúng tôi cũng đều phải có tầm nhìn, định hướng dài hạn.
Đối với việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hoá, chúng tôi cũng hết sức chủ động trong phần việc của cơ quan, tiếp thu, lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện, phản hồi của các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng áp dụng tiêu chuẩn. Sau đó, tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện tiêu chuẩn dựa trên những ý kiến góp ý phù hợp đã được tổng hợp, ghi chép.
Cuối cùng, tôi muốn khẳng định, việc xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hoá sẽ góp phần đáp ứng thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn. Đồng thời, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam.
MC: Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông tiêu chuẩn có vai trò ra sao trong quá trình sản xuất, kinh doanh?
Ông Nguyễn Văn Khang: Dưới góc độ doanh nghiệp, theo tôi tiêu chuẩn rất quan trọng, nó như kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình hội nhập của doanh nghiệp. Từ sản xuất, kinh doanh cho đến dịch vụ đều cần tiêu chuẩn. Chính vì vậy doanh nghiệp cần tiêu chuẩn, bám sát tiêu chuẩn để định hướng doanh nghiệp.
Chẳng hạn với Kangaroo, chúng tôi có tôn chỉ về tiêu chuẩn rất khắt khe và rõ ràng. Chúng tôi coi tiêu chuẩn là định hướng, kim chỉ nam từ đây đưa ra một tôn chỉ là Kangaroo chỉ mang đến những sản phẩm có lợi đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tất cả mọi hoạt động xoay quanh kim chỉ nam này với mục đích đem đến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, tối nhất. Tôi hi vọng tiêu chuẩn ngày càng được cải tiến, cập nhật theo tình hình chung của khu vực và trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc R&D Tập đoàn Kangaroo.
MC: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ đang mở rộng, việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp các quốc gia ứng phó tốt với các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Trong chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, vấn đề này đã được đề cập ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khôi: Tôi nghĩ rằng khi chúng ta tham gia sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ luật chơi chung. Ví dụ như đối với Kangraroo, khi xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, an toàn, các yếu tố môi trường... thì chúng ta phải tuân thủ yêu cầu của các thị trường đó.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế như vậy, hiểu đơn giản là các rào cản kỹ thuật nghĩa là năng lực của doanh nghiệp phát triển hơn, định vị thương hiệu.
Về biện pháp, tôi cho rằng cần rất nhiều biện pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, từ phía người tiêu dùng để có sự phối hợp, chia sẻ, cùng đồng hành làm sao đưa nền tảng văn hóa về chất lượng được nâng lên.
Bên cạnh đó, Chiến lược tiêu chuẩn hóa của chúng ta không chỉ đơn giản là đưa ra các tiêu chuẩn mà phải củng cố, nâng cao năng lực các Ban kỹ thuật, các chuyên gia, đưa tiêu chuẩn vào đào tạo kỹ sư, chuyên gia, các nhà kỹ thuật tại trường dạy nghề hoặc trường đại học...
MC: Thưa ông Phùng Mạnh Trường, theo ông tiêu chuẩn hóa mang đến những cơ hội và thách thức nào cho doanh nghiệp?
Ông Phùng Mạnh Trường: Bản chất của tiêu chuẩn hoá hiểu đơn giản là việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn (trong đó có thể bao gồm tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn của các Hiệp hội uy tín).
Tiêu chuẩn hoá mang đến cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù là cơ hội hay thách thức chúng ta nên đón nhận ở khía cạnh tích cực.
Về mặt cơ hội, một là, khi hoạt động tiêu chuẩn hoá được đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ xác định được chuẩn mực của hoạt động sản xuất kinh doanh, xác định được chất lượng sản phẩm thông qua tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó, xác định rõ và có phương pháp cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến cách thức tạo ra sản phẩm chất lượng. Để làm được điều này cần lấy tiêu chuẩn làm cơ sở đối chiếu, so sánh.
Hai là, doanh nghiệp cũng có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, gia tăng khả năng mở rộng thị trường (bằng cách phát triển sản phẩm mới với chất lượng ngày càng tốt hơn), thâm nhập các thị trường trên thế giới.
Ông Phùng Mạnh Trường - Phó viện trưởng Phụ trách Viện TCCL Việt Nam.
Ba là, thông qua tiêu chuẩn hoá, doanh nghiệp còn giảm được chi phí sai lỗi, nâng cao chất lượng quy trình, chất lượng sản phẩm hàng hoá, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động.
Bốn là, doanh nghiệp thông qua tiêu chuẩn hoá có khả năng nâng cao năng lực quản lý, quản trị, điều hành. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang chú trọng.
Năm là, thông qua quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ có định hướng để đầu tư nguồn lực phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống máy móc, phòng thử nghiệm, phát triển sản phẩm, hệ thống điều hành doanh nghiệp.
Về mặt thách thức, trong bối cảnh vai trò của tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng ở cấp độ doanh nghiệp, tiêu chuẩn hoá cũng tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, xu hướng đổi mới thì sẽ có khả năng nâng cao vị thế trên thị trường.
Xu hướng tiêu chuẩn hoá cũng khiến doanh nghiệp bắt buộc phải có đầu tư để đáp ứng yêu cầu từ các tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hoá, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ra tới sân chơi lớn thì cuộc cạnh tranh sẽ là sòng phẳng, ai bắt kịp xu hướng sẽ thành công, còn không sẽ là thách thức.
MC: Doanh nghiệp đã và đang áp dụng những tiêu chuẩn nào cho các sản phẩm của mình. Việc áp dụng các tiêu chuẩn đó đã mang lại hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm doanh nghiệp trên thị trường ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khang: Về mặt quản trị hệ thống chúng tôi đang áp dụng tiêu chuẩn quản lý QMS và ISO 9001 cũng như ISO 14001 về quản lý. Còn về tiêu chuẩn cho sản phẩm theo tôi doanh nghiệp muốn phát triển được cần xây dựng tiêu chuẩn quản lý cũng như xây dựng tiêu chuẩn về từng sản phẩm.
Ngày xưa hay nói đến tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở thì ngày nay mỗi doanh nghiệp có những giải pháp và chiến lược riêng về tiêu chuẩn. Theo tôi, nếu doanh nghiệp đủ tiềm lực có thể tự xây dựng tiêu chuẩn riêng cho họ và xây dựng tiêu chuẩn trên cơ sở TCVN, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế theo đặc thù cho từng ngành hàng, nhóm sản phẩm của mình.
Theo tôi bây giờ chính là thời đểm mở cửa vươn ra thế giới, các doanh nghiệp như Kangaroo không thể chỉ trông chờ vào thị trường Việt Nam, thị trường khu vực hay Châu Á mà cần phải đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm tiến tới các thị trường lớn hơn nữa. Vì vậy doanh nghiệp cần áp dụng và xây dựng, nghiên cứu nhiều tiêu chuẩn phù hợp. Quan trọng là vẫn phải dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam mà Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam xây dựng.
MC: Thời gian qua, không ít sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam gặp vấn đề tại thị trường nước ngoài do không đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Rõ ràng, chúng ta đang đối mặt với những sân chơi khốc liệt mà nếu không có chiến lược, định hướng rõ ràng trong phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia thì khó tồn tại cũng như chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Vậy, chúng ta cần làm gì để đẩy nhanh chiến lược tiêu chuẩn hóa thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Khôi: Để đẩy nhanh Chiến lược tiêu chuẩn hóa, tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng là phải có đường hướng triển khai thống nhất từ các cấp cao nhất. Sau khi Chiến lược ban hành, kèm theo cơ chế hành động rất cụ thể là phối hợp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... kế hoạch này dựa trên đánh giá thực tế, đầy đủ, tập trung một số vấn đề:
Thứ nhất là phải định hướng được các nhóm tiêu chuẩn trọng tâm, trọng điểm để phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu cũng như khẳng định vị thế doanh nghiệp tại thị trường nội địa.
Thứ hai là làm sao phải tăng cường năng lực của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, đây là các hạt nhân phát triển tiêu chuẩn.
Thứ ba là phải tận dụng được các dự án quốc tế, tận dụng nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Điều này rất quan trọng, vì doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các tiêu chuẩn, hiểu rõ nhất vấn đề của tiêu chuẩn.
Cuối cùng là cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn làm sao để người dân cũng như mọi tầng lớp trong xã hội hiểu được vấn đề nhanh, đúng, kịp thời.
MC: Từ những kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, theo ông đâu là vấn đề cốt lõi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Khang: Ngoài có hệ thống tiêu chuẩn của riêng mình doanh nghiệp cần có thêm một điều quan trọng, theo tôi đó là sự cải tiến liên tục. Thuật ngữ này người Nhật họ phát minh ra còn gọi là Kaizen đã rất nổi tiếng. Cái này không chỉ riêng gì doanh nghiệp của người Nhật hay doanh nghiệp châu Á mà nó đang được áp dụng toàn cầu.
Nhà máy của Kangaroo.
Có thể ở đâu đó người ta có thuật ngữ khác nhưng mô hình chung lại thì vẫn là sự cải tiến liên tục để cho sản phẩm luôn luôn có giá thành rẻ và chất lượng tốt hơn. Điều này cũng giống như tiêu chuẩn, người ta luôn luôn update. Giống như ở Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cũng luôn cập nhật các tiêu chuẩn cho phù hợp hơn, tốt hơn và đây là vấn đề mà doanh nghiệp nào cũng phải coi trọng.
MC: Việc xây dựng tiêu chuẩn phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình làm việc, đánh giá tại doanh nghiệp, Viện TCCLVN đã ghi nhận những phản hồi ra sao về lĩnh vực tiêu chuẩn và Viện có kiến nghị gì để hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này?
Ông Phùng Mạnh Trường: Có 3 đối tượng chính tác động và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đó là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 3 đối tượng này có nhu cầu chung và cũng có những nhu cầu riêng.
Trong đó, nhu cầu chung là được đón nhận những sản phẩm có chất lượng tốt, ngày càng tốt theo thời gian. Việc xây dựng tiêu chuẩn cũng dựa trên nhu cầu chung của 3 đối tượng này là mong muốn được hưởng thụ các sản phẩm mới chất lượng, tốt hơn sản phẩm cũ.
Việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cũng thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy khả năng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp. Việc tiếp thu các ý kiến góp ý, soát xét, sửa đổi tiêu chuẩn của chúng tôi cũng nhằm mục đích đưa tiêu chuẩn sát với thực tiễn và nhu cầu của 3 đối tượng trên.
Về chiến lược tiêu chuẩn hoá, chúng tôi là đơn vị tham gia trực tiếp và cũng đã có nhiều ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng. Theo tôi để có một chiến lược tốt, tiêu chuẩn tốt thì cần năng cao năng lực, nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn tốt cần phải có con người tốt cũng giống như muốn có sản phẩm tốt cần có con người và hệ thống được quản lý tốt.
Trong quá trình xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hoá cũng cần nâng cao năng lực của Ban Kỹ thuật, tập hợp nguồn nhân lực, các chuyên gia đầu ngành, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn. Nhận thức được vấn đề đó hiện chúng tôi đang tiến hành huy động nguồn lực xã hội cho việc xây dựng các tiêu chuẩn.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần tăng cường tuyên truyền về xây dựng tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn cơ sở. Hiện có nhiều doanh nghiệp chỉ đang chú trọng áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế mà quên đi một tiêu chuẩn gắn bó, gần với doanh nghiệp nhất là tiêu chuẩn cơ sở.
Việc áp dụng tiêu chuẩn ngày càng được doanh nghiệp chú trọng.
MC: Theo ông, để gắn kết hoạt động của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia với hoạt động hợp tác quốc tế trong các ngành, lĩnh vực có liên quan của bộ, ngành, Việt Nam cần làm gì để nâng cao vị thế trên các diễn đàn khu vực và quốc tế?
Ông Nguyễn Văn Khôi: Theo tôi có 2 vấn đề lớn mà chúng ta phải sớm cải thiện và hoàn thiện. Trước tiên về khung thể chế pháp lý, hiện nay, chúng ta đã có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng như các luật chuyên ngành, các Nghị định... thể hiện rõ vai trò của cơ quan điều phối chung. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong vấn đề tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn quốc tế chưa “nét”.
Hiện, chúng tôi cũng đang được Chính phủ, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao triển khai vấn đề sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Lần sửa đổi này chúng tôi sẽ bổ sung làm rõ nội dung về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, doanh nghiệp.
Thứ hai, để thể hiện được vai trò trên các diễn đàn quốc tế về tiêu chuẩn hóa, quan trọng là chúng ta phải tham gia sâu, thực chất vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế. Còn nếu chúng ta không trực tiếp tham gia thì không thể nâng cao vai trò của chúng ta với bạn bè quốc tế.
Có thể nói, đây là chiến lược lớn của Bộ KH&CN cũng như Tổng cục TCĐLCL. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các chuyên gia, doanh nghiệp, cử các chuyên gia tham gia vào các Ban Kỹ thuật quốc tế nhằm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu giúp đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe.
Tất nhiên chúng ta phải lưu ý rằng, để tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như nguồn lực mạnh, có chuyên môn và phải lựa chọn các đối tượng tham gia phù hợp...
MC: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Kangaroo đã có những chiến lược, hoạch định phát triển như thế nào để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng gay gắt của trong nước và quốc tế?
Ông Nguyễn Văn Khang: Ban lãnh đạo Tập đoàn Kangaroo đã đưa ra những chiến lược rất rõ ràng, cụ thể để hội nhập quốc tế cũng như nâng cao sự cạnh tranh giữa các đối thử trong nước. Chúng tôi cũng đưa ra những chiến lược mang tính chất khẳng định thương hiệu.
Chúng tôi đang liên doanh với một tập đoàn đồ gia dụng có kinh nghiệp 70 năm của Nhật Bản trong việc sản xuất đồ gia dụng để làm các sản phẩm cao cấp cho thị trường trong nước cũng như hội nhập và đưa sản phẩm sang các nước ở thị trường Đông Nam Á. Đây là chiến lược tôi cho rằng cũng khá sắc nét trong 3 năm gần đây của Kangaroo.
MC: Thưa ông Trường, với mục tiêu chung phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2030 cũng như giải quyết thách thức, vấn đề đặt ra hoạt động tiêu chuẩn hóa sắp tới sẽ phải triển khai như thế nào? Có gì khác biệt với các giai đoạn trước?
Ông Phùng Mạnh Trường: Về định hướng sắp tới, tôi thích dùng từ đổi mới hơn là từ khác biệt. Đổi mới trong hoạt động tiêu chuẩn hoá nhưng vẫn mang tính kế thừa. Thời gian tới, việc chúng ta cần làm là thúc đẩy các lợi thế trong hoạt động tiêu chuẩn hoá.
Về định hướng cốt lõi là tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bởi con người là quyết định. Việc cần làm huy động nguồn lực từ đội ngũ chuyên gia, thành viên Ban Kỹ thuật kể cả từ doanh nghiệp, tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn. Khi đó sẽ tạo ra vòng tuần hoàn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp vừa đóng vai trò đề xuất, xây dựng, vừa đóng vai trò là đơn vị áp dụng tiêu chuẩn.
Việc này góp phần tăng đóng góp của doanh nghiệp cho xây dựng tiêu chuẩn, giúp quá trình sửa đổi, xây dựng tiêu chuẩn linh hoạt, đáp ứng thực tiễn yêu cầu của thị trường, cuộc sống.
Một việc cần làm nữa là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong xây dựng tiêu chuẩn, nắm bắt xu hướng quốc tế, nhu cầu thị trường, từ đó có đánh giá và cái nhìn khách quan về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta không khoẻ thì làm sao bơi ra biển rộng, chúng ta sẽ chỉ bơi ở ao làng. Nếu nhận diện được cơ hội, thách thức chúng ta có thể điều chỉnh hợp lý các hoạt động trong đó có hoạt động tiêu chuẩn hoá.
Thêm vào đó, cần tập trung tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, hoạch định phát triển hệ thống tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hoá cũng cần bám sát định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới. Đó có thể là trong 5 năm, 10 năm và xa hơn nữa. Đây cũng là mục tiêu mà chiến lược hướng tới.
MC: Đại dịch Covid-19, sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, trong đó, vai trò của hệ thống tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng. Xin ông cho biết, tại Việt Nam, việc xây dựng tiêu chuẩn về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được triển khai với định hướng và chiến lược ra sao?
Ông Nguyễn Văn Khôi: Việc phát triển các tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn là vấn đề rất “nóng” hiện nay, cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 687 năm 2022 Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ là xây dựng, thúc đẩy vấn đề hài hòa tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về kinh tế tuần hoàn.
Hiện, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, triển khai và xây dựng được danh mục trên 100 tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài tập trung vào các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; tập trung vào các vấn đề cụ thể như tái chế, môi trường xanh, kinh tế chia sẻ...
Để đưa tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn áp dụng hiệu quả trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu thì có mấy vấn đề đặt ra để đưa tiêu chuẩn vào cuộc sống: Thứ nhất là Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp; Thứ hai, về mặt nội tại, về lâu dài khi doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn kinh tế tuần hoàn giúp họ tiết giảm nhiên liệu, nguồn lực;
Thứ ba về thị trường cạnh tranh, khi doanh nghiệp chúng ta xuất khẩu sang châu Âu phải đối mặt với rất nhiều yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn hóa, cụ thể là áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm toán môi trường, truy xuất các-bon... như vậy, rõ ràng chúng ta phải áp dụng các tiêu chuẩn này mới có thể vào thị trường khó tính và mới được hưởng các ưu đãi, nếu không họ sẽ đánh thuế rất cao.
MC: Thưa quý vị và các bạn!
Tiêu chuẩn hóa mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến không ít thách thức cho doanh nghiệp, tuy nhiên đây là xu thế tất yếu. Các quốc gia cần đặt ra tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần gắn kết hoạt động của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia với hoạt động hợp tác quốc tế trong các ngành, lĩnh vực có liên quan của các bộ, ngành nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Một lần nữa xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Khôi, ông Phùng Mạnh Trường và ông Nguyễn Văn Khang đã dành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi ngày hôm nay.
Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
NPV (theo vietq.vn)