Tiêu chuẩn thúc đẩy việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc

Đăng ngày: 10:32 13-10-2022

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc

Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, được tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, là lời kêu gọi toàn cầu cùng hành động nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Trọng tâm của Chương trình Nghị sự này là việc công bố 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đây chính là lời kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia, kể cả quốc phát triển và đang phát triển, trong quan hệ đối tác toàn cầu.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc thể hiện một cơ hội lịch sử để tạo ra thay đổi thực sự vì thế giới cần khẩn trương tìm ra một con đường bền vững hơn. Các mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng dựa trên và thay thế “Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, với một nỗ lực toàn cầu không chỉ chống đói nghèo mà còn tập trung vào bình đẳng giới và quyền con người cho tất cả mọi người.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững bao gồm cả ba khía cạnh của phát triển bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội trong bối cảnh con người, quan hệ đối tác, hòa bình, thịnh vượng và hành tinh. Các chủ đề đa dạng mà Mục tiêu Phát triển Bền vững bao gồm thể hiện các vấn đề kinh tế xã hội và môi trường khác nhau mà mỗi quốc gia phải đối mặt.

Người tiêu dùng, chính phủ, nhà sản xuất và doanh nghiệp đều nhận rõ tác động của các hành động của họ và tầm quan trọng của tính bền vững. Các tiêu chuẩn cho phép các doanh nghiệp đo lường chi phí, ảnh hưởng của các hoạt động và kết quả đạt được của mình. Điều này cuối cùng thúc đẩy doanh nghiệp, linh hoạt, nhạy bén và có trách nhiệm hơn, tuân thủ chặt chẽ hơn các nguyên tắc thúc đẩy tính bền vững.

Mối liên hệ giữa Tiêu chuẩn và các Mục tiêu Phát triển Bền vững

Tuyên bố Luân Đôn về “Cam kết về khí hậu của ISO” đã được đại diện cho 165 quốc gia thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) thông qua vào tháng 9 năm 2021 tại Luân Đôn. Tuyên bố này thể hiện rõ cam kết của ISO là thông qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn để thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của ISO trong việc đạt được Chương trình nghị sự về khí hậu vào năm 2050.

Tuyên bố viết: “ISO cam kết làm việc với các thành viên, các bên liên quan và đối tác để đảm bảo rằng các ấn phẩm và các tiêu chuẩn quốc tế của ISO thúc đẩy việc đạt được thành công Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và Lời kêu gọi Hành động của Liên hợp quốc về Thích ứng và Khả năng phục hồi”.

Các tiêu chuẩn ISO đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế toàn cầu, tạo niềm tin trên tất cả các khía cạnh của thương mại quốc tế. Một số tiêu chuẩn của ISO hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự về khí hậu, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, định lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phổ biến các thực hành tốt trong quản lý môi trường.

ISO cam kết làm việc với các thành viên, các bên liên quan và đối tác để đảm bảo rằng các Tiêu chuẩn và ấn phẩm quốc tế thúc đẩy việc đạt được thành công Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và Lời kêu gọi Hành động của Liên hợp quốc về Thích ứng và Khả năng phục hồi.

ISO đã tham gia vào Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc với mục đích nhằm biến đổi thế giới của chúng ta bền vững hơn, qua đó thúc đẩy các quốc gia thành viên nỗ lực để cùng nhau thực hiện được các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Các tiêu chuẩn cho phép chuyển các Mục tiêu Phát triển Bền vững thành các mục tiêu hoạt động có thể đạt được. Do đó, tiêu chuẩn được sử dụng như một khuôn khổ để triển khai và đạt được sự bền vững. Việc triển khai và thành công của các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ dựa vào tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cộng đồng những người làm công tác tiêu chuẩn hóa.

Các tiêu chuẩn góp phần truyền tải nhanh chóng sự đổi mới và công nghệ mới và thúc đẩy thương mại toàn cầu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ và chính phủ trên toàn thế giới. Vì tiêu chuẩn được xem là các công cụ tự nguyện và cung cấp các thực hành tốt nhất được chia sẻ rộng rãi, dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên liên quan, nên tiêu chuẩn cung cấp cơ sở nền tảng cho sự đổi mới phát triển và là công cụ quan trọng giúp ngành công nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ đóng góp vào việc đạt được tất cả Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tiêu chuẩn hỗ trợ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững

Tất cả cơ quan tiêu chuẩn, bao gồm cả cấp quốc gia, khu vực hay quốc tế, đều cam kết tận dụng sức mạnh của tiêu chuẩn để giải quyết các thách thức toàn cầu. Các cơ quan này xây dựng các tiêu chuẩn để đóng góp vào ba trụ cột của sự bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời cung cấp các giải pháp dài hạn để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Các cơ quan tiêu chuẩn đều nỗ lực chứng minh một tiêu chuẩn cụ thể có đề cập đến một hoặc một số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Đi tiên phong trong việc thực hiện nỗ lực này chính là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO đã triển khai theo cách tiếp cận có hệ thống hơn để xác định Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan được hỗ trợ bởi các tiêu chuẩn ngay từ khi bắt đầu công tác tiêu chuẩn hóa mới. Đây là cách tiếp cận mang tính chiến lược đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững, gắn các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào tất cả các công tác tiêu chuẩn hóa và khám phá các hình thức hợp tác tiềm năng mới với tất cả các bên liên quan, do đó tối đa hóa sự đóng góp của các tiêu chuẩn cho phát triển bền vững. Đối với mỗi mục tiêu, ISO đã xác định các tiêu chuẩn có đóng góp quan trọng nhất.

Đại hội đồng ISO năm 2018 đã xác định tính bền vững là một trọng tâm thiết yếu gắn liền với khoảng 600 tiêu chuẩn ISO liên quan đến 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Nhưng đến nay, số lượng tiêu chuẩn ISO đáp ứng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã tăng lên đáng kể do đã sử dụng cách tiếp cận toàn diện.

Ví dụ: có 13.446 tiêu chuẩn ISO hỗ trợ cho "Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới"; 3.207 tiêu chuẩn ISO hỗ trợ cho "Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người"; 2.865 tiêu chuẩn ISO hỗ trợ cho "Mục tiêu 12: Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững".

Đối với Việt Nam, trong thời gian tới cũng cần phải sử dụng cách tiếp cận này để xác định rõ hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên kết và hỗ trợ thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Đây cũng là một công cụ để nâng cao nhận thức của mọi người về các Mục tiêu Phát triển Bền vững, hiểu rõ các giá trị và lợi ích mà các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đóng góp cho các Mục tiêu này. Về lâu dài, cách tiếp cận này cũng giúp làm rõ hơn mối liên kết hơn giữa Mục tiêu Phát triển Bền vững và các tiêu chuẩn để khám phá các cơ hội mới và tăng cường sự hợp lực giữa các bên liên quan, qua đó thúc đẩy việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

 TS. Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Cùng chuyên mục