Tiêu chuẩn hóa là yêu cầu thiết yếu cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp
Đăng ngày: 10:13 13-10-2022
Việt Nam là nước với nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Ngành nông nghiệp thời gian qua có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng đạt gần 2,9%.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với 2020. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có mặt trên thị trường nước ngoài trong đó một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chủ yếu xuất khẩu thô và sơ chế (khoảng 60%), chất lượng các sản phẩm còn chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế mới đạt khoảng 10%.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trả về do không đảm bảo trong quá trình sản xuất và chế biến, chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và ghi nhãn. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế chỉ đạt khoảng 10%, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có tỷ lệ từ chối từ các thị trường nước ngoài còn lớn. Một trong những nguyên nhân là do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của các nước.
Ảnh minh hoạ
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã có 13.350 TCVN trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài đạt 60%. TCVN bao phủ 42 lĩnh vực (theo khung phân loại quốc tế cho tiêu chuẩn, trong đó có nông nghiệp).
Tiêu chuẩn hóa là yêu cầu thiết yếu cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa. Sản xuất theo những phương thức và công nghệ hiện đại với những tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, chủ động trước những sự biến động của môi trường tự nhiên cũng như nền kinh tế thế giới.
Với những quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý, tiêu chuẩn hóa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, có vị thế cao ở thị trường trong nước và thế giới.
Đặc biệt trong bối cảnh nhập quốc tế, chuyển đổi số và thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, tiêu chuẩn hóa góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đến thị trường các nước.
Các chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong nông nghiệp được triển khai, việc đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian tới cần được chú trọng để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Việt Nam, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 04 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nhóm TCVN này về cơ bản hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến là rất quan trọng. Mặt khác, các TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam, áp dụng được trong thực tiễn. Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục công bố 04 TCVN đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù (TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ). Đây là những sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ. |
Phong Lâm