Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp xác định được chuẩn mực hoạt động sản xuất kinh doanh
Đăng ngày: 10:19 10-05-2023
Khi hoạt động tiêu chuẩn hoá được đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ xác định được chuẩn mực của hoạt động sản xuất kinh doanh, xác định chất lượng sản phẩm thông qua tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó, xác định rõ và có phương pháp cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến cách thức tạo ra sản phẩm chất lượng. Để làm được điều này cần lấy tiêu chuẩn làm cơ sở đối chiếu, so sánh.
Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp xác định chuẩn mực hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Mục tiêu chung của Chiến lược tiêu chuẩn hóa
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 của Việt Nam là vô cùng cần thiết, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý của các bộ ngành, địa phương; hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thực hành có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau (bao gồm các tiêu chuẩn thực hành về trách nhiệm xã hội tích hợp với yêu cầu về trách nhiệm xã hội trong các tiêu chuẩn đặc thù);
Tập trung nguồn lực thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn;
Phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban kỹ thuật TCVN, ban biên soạn. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đào tạo nhân lực trong hoạt động tiêu chuẩn hóa;
Nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và uy tín cũng như sức cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, triển khai đầy đủ, đồng bộ các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn hóa và minh bạch hóa...
Tiêu chuẩn hoá mang đến cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Nhấn mạnh vai trò của Chiến lược Tiêu chuẩn hóa đối với doanh nghiệp, ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, tiêu chuẩn hoá mang đến cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù là cơ hội hay thách thức chúng ta nên đón nhận ở khía cạnh tích cực.
Trước tiên về mặt cơ hội, một là, khi hoạt động tiêu chuẩn hoá được đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ xác định được chuẩn mực của hoạt động sản xuất kinh doanh, xác định chất lượng sản phẩm thông qua tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó, xác định rõ và có phương pháp cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến cách thức tạo ra sản phẩm chất lượng. Để làm được điều này cần lấy tiêu chuẩn làm cơ sở đối chiếu, so sánh.
Hai là, doanh nghiệp cũng có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, gia tăng khả năng mở rộng thị trường (bằng cách phát triển sản phẩm mới với chất lượng ngày càng tốt hơn), thâm nhập các thị trường trên thế giới.
Ba là, thông qua tiêu chuẩn hoá, doanh nghiệp còn giảm được chi phí sai lỗi, nâng cao chất lượng quy trình, chất lượng sản phẩm hàng hoá, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động.
Bốn là, doanh nghiệp thông qua tiêu chuẩn hoá có khả năng nâng cao năng lực quản lý, quản trị, điều hành. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang chú trọng.
Năm là, thông qua quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ có định hướng để đầu tư nguồn lực phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống máy móc, phòng thử nghiệm, phát triển sản phẩm, hệ thống điều hành doanh nghiệp.
Về mặt thách thức, ông Trường cho rằng, trong bối cảnh vai trò của tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng ở cấp độ doanh nghiệp, tiêu chuẩn hoá cũng tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, xu hướng đổi mới thì sẽ có khả năng nâng cao vị thế trên thị trường. Xu hướng tiêu chuẩn hoá cũng khiến doanh nghiệp bắt buộc phải có những đầu tư để đáp ứng yêu cầu từ các tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hoá, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ra tới sân chơi lớn cuộc cạnh tranh sẽ là sòng phẳng, ai bắt kịp xu hướng sẽ thành công, còn không sẽ là thách thức.
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL khẳng định, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục TCĐLCL xây dựng dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Chính phủ.
Thanh Tùng (VietQ.vn)