Thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa quốc gia

Đăng ngày: 09:59 04-05-2021

Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định trong thành công của mỗi tổ chức, bất kể tổ chức đó hoạt động trong lĩnh vực nào, qui mô ra sao. Chính vì vậy, việc đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần phải có được sự quan tâm thích đáng. Trong bối cảnh kinh tế tri thức ngày càng được đề cao và xu thế toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới thì nguồn nhân lực càng khẳng định vị trí chiến lược góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Lĩnh vực tiêu chuẩn hóa cũng không phải là ngoại lệ.

Phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa là yêu cầu quan trọng góp phần vào sự hình thành và phát triển một nền tảng tiêu chuẩn hóa quốc gia vững mạnh, giúp tạo ra những sản phẩm tiêu chuẩn làm công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập...

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới, trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến 2020 (Chương trình 712), nhiều năm liên tục, nhiệm vụ đào tạo nâng cao năng lực cho các chuyên gia, cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa đã được ưu tiên đặt hàng và triển khai thực hiện có hiệu quả. 

Hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa đã được triển khai đến các đối tượng như các chuyên gia, thành viên ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, giảng viên, cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành, doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo được thiết kế và triển khai nhằm cung cấp cho học viên các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, giảng dạy bộ môn tiêu chuẩn hóa trong các trường cao đẳng, đại học…

Kể từ 2015, sau 5 năm thực hiện nhiệm vụ, đến nay, đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều cán bộ đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, ứng dụng tốt những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiêu chuẩn hóa tại đơn vị.

Theo thống kê của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình 712, giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 đã có 10 bộ chương trình, tài liệu đào tạo được xây dựng cho hai nhóm đối tượng là thành viên BKT và cán bộ TCH tại bộ, ngành; 30 khóa đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, 01 khóa e-learning đã được tổ chức thực hiện cho tổng số trên 1500 học viên. Trong đó, 02 khóa có sự tham gia giảng dạy của giảng viên nước ngoài (chuyên gia của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế - ISO, Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế - IEC), tập trung vào hoạt động tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, dành cho đối tượng là thành viên của các BKT TCQG là thành viên tham gia (thành viên P) của các BKT TCQT ISO, IEC; 15 khóa dành cho thành viên BKT TCQG; 01 khóa dành cho thư ký BKT TCQG; 11 khóa dành cho cán bộ TCH có sự phối hợp với hầu hết các Bộ như Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ VHTT&DL, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…  

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa đông nhưng chưa mạnh và chất lượng chưa thực sự cao. Về năng lực, đặc biệt là kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị chưa đồng đều, việc gây dựng đội ngũ kế cận, chuyển tiếp giữa các thế hệ cũng đang là thách thức lớn.

Hoạt động đào tạo tiêu chuẩn hóa đã mang lại những hiệu quả nhất định như trang bị các kiến thức nghiệp vụ cơ bản, giúp các học viên cải thiện năng lực, củng cố kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm tham gia tiêu chuẩn hóa quốc gia, quốc tế… Tuy vậy, số lượng được đào tạo vẫn chưa thực sự tương xứng với nhu cầu thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với số lượng cán bộ tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa tương đối lớn cùng sự tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế ngày càng được mở rộng, song mối quan tâm cũng như ngân sách dành cho đào tạo vẫn chưa được thỏa đáng.

Tóm lại, từ thực tiễn có thể rút ra bài học là: phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, công tác tại các bộ, ngành, doanh nghiệp là một yêu cầu quan trọng trong việc thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa quốc gia tiên tiến và phát triển bền vững, tiệm cận với những tiến bộ của thế giới, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế.

Một số kết quả từ đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực và hoạt động đào tạo tiêu chuẩn hóa:

1)  Hoạt động đào tạo tiêu chuẩn hóa đã được triển khai hiệu quả tuy vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chưa đáp ứng yêu cầu cũng như những biến động thực tế.

2)  Giáo trình đào tạo tiêu chuẩn hóa mới được xây dựng cho đối tượng ở cấp học cao, sinh viên đại học. Chương trình đào tạo tiêu chuẩn hóa mới được triển khai trên diện hẹp ở một số trường đại học khu vực phía Bắc.

3)  Đội ngũ giảng viên tiêu chuẩn hóa còn thiếu, chưa được đào tạo chính thống, chủ yếu dựa vào nguồn chuyên gia của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia.

4)  Đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành, doanh nghiệp đông đảo nhưng có trình độ, năng lực không đồng đều dẫn đến những hạn chế nhất định trong quá trình hoạt động

 

Một số định hướng cần tập trung đối với việc phát triển đội ngũ cán bộ và hoạt động đào tạo tiêu chuẩn hóa:

1)   Duy trì và đẩy mạnh hoạt động đào tạo tiêu chuẩn hóa cho các chuyên gia và cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như đáp ứng kịp thời với những thay đổi, biến động, đặc biệt là biến động về vị trí, chức năng, nhân sự, trong thực tế triển khai tại các cơ quan, đơn vị.

2)   Xây dựng chương trình đào tạo tiêu chuẩn hóa cho các cấp học như tiểu học, trung học để đưa tiêu chuẩn hóa đến gần hơn với lứa tuổi trẻ, bao gồm cả trẻ em, giúp trẻ sớm làm quen với tiêu chuẩn từ những bài học đầu tiên. Mở rộng chương trình đào tạo tiêu chuẩn hóa ra các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, tiến tới đưa thành một môn học bắt buộc.

3)  Phát triển đội ngũ giảng viên tiêu chuẩn hóa chuyên nghiệp, đủ năng lực phục vụ sứ mệnh truyền bá kiến thức tiêu chuẩn hóa đến nhiều đối tượng, không phụ thuộc vào trình độ, ngành nghề, độ tuổi,… Quan tâm đúng mức việc xây dựng đội ngũ giáo viên đúng chuẩn, đội ngũ quản lý có phẩm chất, năng lực, năng động, có khả năng thích ứng, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

4)  Phát triển đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa có trình độ, năng lực đồng đều hơn, có khả năng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiêu chuẩn hóa. Đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nòng cốt để đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong thúc đẩy phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa tại từng cơ quan, đơn vị.

5)  Chú trọng phát triển các chính sách và giải pháp đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa phù hợp để phát huy hết tiềm năng, tri thức, góp phần tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia giỏi cả về chuyên môn và nghiệp vụ.

6)  Huy động các nguồn lực bảo đảm cho yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc tham gia đào tạo tiêu chuẩn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động bố trí nguồn lực của doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh...

Ngọc Bích - VSQI

Cùng chuyên mục