Lợi gì khi triển khai hệ thống radar trên cao tốc?

Đăng ngày: 14:33 06-05-2021

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là xu hướng và cũng là điều kiện bắt buộc cần phải có trên các tuyến cao tốc.

Mô phỏng sóng radar quét trên các làn đường cao tốc

Việc tích hợp radar vào ITS như một thành phần không chỉ giúp ITS phát huy cao hơn hiệu quả mà còn đem lại nhiều lợi ích KT-XH cả hiện tại và tương lai...

Khi “mắt thần” mất hiệu nghiệm…

Tại Hội nghị thông tin báo chí công tác đảm bảo TTATGT năm 2020 cuối tháng 12 vừa qua, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hành vi che biển số khi đi trên các tuyến cao tốc, đặc biệt là tuyến Nội Bài - Lào Cai bắt đầu xuất hiện sau khi Cục CSGT lắp đặt các camera phục vụ công tác đảm bảo ATGT, “phạt nguội” vi phạm.

Trước đó, qua công tác tuần tra, Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 1 cũng phát hiện hàng loạt trường hợp dùng băng dính che toàn bộ hoặc một phần biển số, bôi bẩn hoặc làm mờ biển số nhằm trốn tránh bị phát hiện các lỗi chạy lấn làn, quá tốc độ/dưới tốc độ quy định…

Đáng lo ngại hơn, hiện tượng mang tính đối phó này gây rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý khi phương tiện di chuyển vào ban đêm, do khả năng ghi nhận của camera bị giảm đáng kể.

Thực tế, không phải bây giờ chúng ta mới nhận ra những hạn chế khi dùng camera giám sát giao thông. Vụ việc đá hộc xuất hiện trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhưng không được thu gom kịp thời vào đầu năm 2019 là một điển hình.

Cụ thể, khi lưu thông theo chiều Cầu Giẽ - Ninh Bình cách Trạm thu phí Cao Bồ khoảng 1km, nhiều xe ô tô đã va phải đá hộc rơi vãi trên đường gây hư hỏng nặng. Kể cả khi chủ phương tiện bê đá hộc ra khỏi đường, hôm sau lại xuất hiện và tiếp tục gây sự cố, uy hiếp trực tiếp đến an toàn, tính mạng người tham gia giao thông.

ITS không chỉ có camera

Ở Việt Nam, khái niệm ITS (Hệ thống giao thông thông minh) nở rộ từ hơn 10 năm về trước, khi tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước là TP HCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng. Khi ấy, công nghệ ITS trên tuyến này được các nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt và chuyển giao.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia cao cấp JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) cho biết, hệ thống ITS ra đời nhằm giải quyết bài toán thu thập dữ liệu đầy đủ, chính xác, trong thời gian thực nhằm giúp người quản lý, điều hành giao thông có thể nhận biết toàn diện tình huống và đưa ra cách xử trí kịp thời, hiệu quả.

Tất cả không ngoài mục đích đảm bảo ở mức cao nhất về ATGT, nâng cao hiệu suất lưu thông.

Về nguyên tắc, dữ liệu càng nhiều, độ chính xác cao, tính đa dạng lớn và độ trễ thấp thì công tác quản lý, điều hành giao thông sẽ càng tối ưu. Nếu xét từ góc độ này, bản thân camera do bị hạn chế về khả năng hoạt động trong một số tình huống (đêm tối, chói sáng, mưa lớn, sương mù, khói bụi…), độ chính xác thấp trong cảnh báo tự động và dễ hỏng hóc khi hoạt động lâu dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên sẽ không thể đảm đương được đầy đủ chức năng mà hệ thống ITS đề ra.

Không những vậy, cùng với xu hướng tiêu chuẩn hóa ITS, vào tháng 6/2020, Bộ KH-CN đã ban hành TCVN 12836-1:2020 về kiến trúc ITS, các miền dịch vụ, nhóm dịch vụ và dịch vụ ITS, gồm 13 miền dịch vụ.

Đây được xem như kim chỉ nam cho quá trình xây dựng hệ thống ITS hoàn chỉnh, tiên tiến. Để tiêu chuẩn này được hiện thực hóa, cần áp dụng, bổ sung các công nghệ mới.

Lấy ví dụ miền dịch vụ quản lý và điều hành giao thông (nhóm B). Dịch vụ B.2.2.1 “Giám sát giao thông” đưa ra các yêu cầu về dữ liệu, trong đó có dữ liệu về “khoảng cách thời gian giữa các phương tiện trên cùng một đường”.

Dịch vụ B.2.2.3 “Kiểm soát giao thông trên cao tốc - đường dẫn” có ý nghĩa hạn chế lưu lượng vào cao tốc nhằm giảm thiểu tác động lên dòng phương tiện đang lưu thông trên cao tốc.

Hoặc như với miền dịch vụ phương tiện giao thông (nhóm C). Dịch vụ C.6.2.1 “Triển khai hạn chế va chạm trước khi xảy ra sự cố” có vai trò phát hiện, dự báo sớm nguy cơ xảy ra va chạm mà không cần thông tin thu thập từ phương tiện, hay người điều khiển phương tiện.

Những dịch vụ như trên, rõ ràng cần loại hình công nghệ mới để thực hiện, bởi nó phụ thuộc vào khả năng thu thập tối đa dữ liệu (vị trí, tốc độ, hướng di chuyển) của tất cả các phương tiện trong thời gian thực với độ chính xác cao, ở bất kể loại hình thời tiết nào.

Nguồn dữ liệu lớn (Big Data) này kết hợp với các thuật toán sẽ giúp người quản lý hệ thống ITS dễ dàng cung cấp được các dịch vụ chất lượng cao cho các chủ phương tiện.

Thêm nữa, nó còn là cơ sở để cơ quan quản lý và nhà đầu tư đường cao tốc hình thành những dịch vụ mới hướng tới người tham gia giao thông như chủ động đưa ra chỉ dẫn, cảnh báo, lưu ý về đảm bảo hành trình an toàn…

Lời giải từ giải pháp radar

Hệ thống radar trên cao tốc hiển thị các dữ liệu liên quan đến phương tiện

Ngoài lĩnh vực hàng không vốn đặc thù sử dụng radar từ lâu, việc áp dụng radar trong các lĩnh vực đường thủy, đường sắt tại Việt Nam mới chỉ nhen nhóm từ vài năm qua.

Có thể kể đến hệ thống điều phối giao thông hàng hải (VTS) ở luồng Sài Gòn - Vũng Tàu được trang bị radar từ năm 2014, hay việc thí điểm radar cảnh báo chướng ngại vật ở đường ngang dân sinh trong lĩnh vực đường sắt vào năm 2019. Do khả năng thu thập dữ liệu nhanh, chính xác, tin cậy trong mọi điều kiện thời tiết khiến radar trở thành một lựa chọn tất yếu.

Với lĩnh vực đường bộ, việc nâng cao ứng dụng công nghệ mới là chủ trương và mục tiêu hướng đến. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia trong cuộc họp tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua đảm bảo TTATGT giai đoạn 2016 - 2020 cho rằng: “Khoa công nghệ là giải pháp quan trọng nhất, là chìa khóa để triển khai 5 cột trụ chính sách về TTATGT”. Trong đó, radar đang là một xu thế.

Cùng với sự xuất hiện ở nhiều quốc gia, giải pháp radar tích hợp ITS đang dần trở nên quen thuộc hơn đối với những người làm công tác quản lý.

Nước Anh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ bao phủ tất cả tuyến cao tốc kết nối từ London bằng cảm biến radar do những lợi ích thực tiễn mà hệ thống đem lại, chẳng hạn như thời gian phản ứng với sự cố chỉ mất 10 giây, thay vì 17 phút. Riêng đối với biến cố cháy nổ trong đường hầm, đến nay chỉ có công nghệ radar mới đảm đương nổi việc thu thập dữ liệu ở điều kiện khói lửa dày đặc để phục vụ cho việc đối phó hiệu quả các tình huống khẩn nguy.

Bên cạnh năng lực tự động phát hiện sự cố/dấu hiệu làm hạn chế và vi phạm giao thông như vật rơi vãi kích thước nhỏ hoặc lớn; ùn xe, vượt trái phép, dừng xe không đúng vị trí; “bám đuôi”; che biển số…, điểm nổi trội của radar mà các công nghệ khác không có là tạo “dòng giao thông theo thời gian thực” một cách chính xác, đầy đủ nhất có thể. Đây là một dạng thức thông tin vô cùng quan trọng trong điều hành giao thông.

Đơn cử trường hợp bảo trì, bảo dưỡng đường cao tốc. Nhờ việc nắm rõ biểu đồ về lưu lượng xe, chủng loại phương tiện tại các thời điểm khác nhau mà người quản lý dễ dàng đưa ra quyết định hợp lý về thời gian bảo trì phù hợp như rửa đường, tưới cây, sửa chữa mặt đường… để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến giao thông cũng như kiểm soát rủi ro về tai nạn lao động, TNGT do hoạt động bảo trì đường.

Hoặc, nhờ dữ liệu về dòng giao thông mà trung tâm điều hành quyết định đóng - mở làn; yêu cầu các phương tiện di chuyển chậm lại/nhanh hơn; điều tiết lượng xe ra - vào tuyến (Ramp-metering)… được tối ưu và đem đến hiệu quả giao thông tốt hơn.

Trong một chia sẻ gần đây với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định: “So với các nước phát triển, lĩnh vực đường bộ ở Việt Nam còn khoảng cách khá lớn trong việc ứng dụng các yếu tố cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0”. Điều này cho thấy, việc sớm áp dụng những công nghệ mang tính “tiến thẳng lên hiện đại” trong ngành GTVT cần sự quyết tâm hơn nữa từ các cấp quản lý.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ các giải pháp lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, trong đó bao gồm đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia.

Việc triển khai giải pháp radar trong giao thông nói chung và đường bộ cao tốc nói riêng là rất cần thiết để mạng lưới giao thông ở nước ta ngày càng hoàn thiện hơn, hiện đại hơn trong tương lai.

Tích hợp radar vào ITS cần được nhìn nhận tổng thể

Một chuyên gia giao thông nhận định, lợi ích từ quá trình đầu tư tích hợp giải pháp radar vào ITS cần được nhìn nhận tổng thể chứ không phải đơn lẻ, bởi đây là giải pháp giúp cho hệ thống ITS phát huy được cao hơn các giá trị cốt lõi và cung cấp được toàn diện hơn các miền dịch vụ, nhất là khi nó có thể cập nhật thông tin cho người chủ phương tiện đang lưu thông nhờ hình thức C-ITS (ITS kết nối, chia sẻ).

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, giải pháp sẽ giúp tăng cường hiệu suất, hiệu năng trong những trường hợp: đảm bảo ATGT trên toàn tuyến cao tốc; đảm bảo năng lực lưu thông toàn tuyến; đảm bảo năng lực “phạt nguội” để điều chỉnh hành vi giao thông; đảm bảo khả năng dự báo xu hướng hành vi giao thông.

Khi tuyến cao tốc trở nên an toàn hơn, lưu thông thông suốt hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn, người tham gia giao thông cũng sẵn sàng trả một mức phí cao hơn, giúp đem lại không những hiệu quả về KT-XH mà còn góp phần thúc đẩy việc tăng hàm lượng công nghệ trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đặt mua TCVN 12836-1:2020

 Nguồn: Báo Giao thông

 

 

 

 

Cùng chuyên mục