Cần sớm có tiêu chuẩn cho camera tại Việt Nam
Đăng ngày: 14:30 06-12-2022
Cần có tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm camera được sản xuất, lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Tiêu chuẩn là cơ sở đánh giá chất lượng camera
Dẫn thống kê của B&Company Vietnam, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập báo Vietnamnet cho biết, thị trường camera tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực với tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm ước đạt 8,6% trong giai đoạn 2020-2026. Số lượng camera nhập khẩu năm 2021 ước tính lên tới gần 5 triệu chiếc, về sản lượng chỉ đứng sau smartphone. Nhu cầu về camera tại thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ trong vài năm tới, đặc biệt khi chính phủ và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên có một thực tế là hơn 90% thị phần camera tại Việt Nam đang là camera xuất xứ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc nên việc kiểm soát an toàn, an ninh thông tin là điều đáng phải quan tâm. Thậm chí một số dòng camera hoạt động theo cơ chế Cloud kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải “vòng” qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.
Xu hướng sử dụng camera ngày càng phổ biến, nó là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, Chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự… Vì vậy, việc chủ động sản xuất camera là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Việt Nam chủ động phát triển các thiết bị này với chất lượng tốt và đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết, việc này cũng sẽ giảm thiểu được các nguy cơ lộ dữ liệu nhạy cảm cho người dùng.
Các camera được sản xuất hay lưu hành cần có tiêu chuẩn và quy định để đánh giá được chất lượng, tính an toàn của các nhà cung cấp thiết bị camera này, không chỉ từ Trung Quốc mà cả các nhà cung cấp đến từ những quốc gia khác. Đặc biệt là thiết bị được dùng trong các hệ thống giám sát an ninh, thu thập thông tin của cơ quan nhà nước và các hệ thống quan trọng của quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Pavana, camera là sản phẩm nguồn gốc xuất xứ có ý nghĩa quan trọng nhất trong sản phẩm điện tử bởi chúng liên quan đến các dữ liệu cá nhân, âm thanh hình ảnh. Do đó, việc bảo mật thông tin vô cùng quan trọng.
Việc xây dựng tiêu chuẩn để kiểm soát đảm bảo an ninh sẽ thuộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy các đối tượng, tập khách hàng nào cần bảo vệ dữ liệu trước thì phải có tiêu chuẩn cho từng đối tượng khách hàng chứ không thể áp dụng chung cho tất cả đối tượng khách hàng.
Trước tiên là camera hạ tầng công cộng chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 40%); camera thương mại (30% thị phần toàn thế giới); nhóm khách hàng cuối cùng là camera cho hộ gia đình chỉ chiếm 20%. Các quốc gia có quy định riêng cho từng nhóm đối tượng khách hàng như vậy. Chẳng hạn camera hạ tầng phải đặt toàn bộ dữ liệu trong quốc gia đó và do cơ quan Nhà nước nắm giữ.
Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp, nếu không có phương án bảo vệ nó thì bí mật của các doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần tư duy theo từng nhóm khách hàng để có phương án cụ thể.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã mang chính thương hiệu của mình làm bảo chứng cho an toàn bảo mật thông tin. Bởi khi có vấn đề bảo mật nó sẽ ảnh hưởng đến các thương hiệu trong nước. Đặt server ở Việt Nam, phần mềm được update liên tục để vá lỗ hổng và bảo vệ khách hàng… thì điều này doanh nghiệp thương hiệu Việt Nam mới có thể thực hiện được. Đây là những lý do người dùng có thể đặt niềm tin vào camera Make in VietNam.
Ảnh minh họa
Cần sớm nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cho camera
Ông Hoàng Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc MobiFone Global cho hay, chúng ta nên có các tiêu chuẩn cho camera Make in Việt Nam, cả phần cứng và phần mềm. Chúng ta cũng nên có tiêu chuẩn về hệ thống lưu trữ, quản trị dữ liệu phải đặt ở trong nước.
Theo Luật An ninh mạng, các mạng xã hội phải lưu trữ thông tin người dùng ở Việt Nam. Do đó, với dịch vụ camera, những thông tin thu thập được từ đó rất quan trọng và cần phải đặt ở Việt Nam tương tự như vậy. Dịch vụ quản trị dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng cũng cần phải có tiêu chuẩn dành riêng cho nó.
Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc bộ phận sản phẩm Bkav AI View nói thêm, rất cần bộ tiêu chuẩn và tiêu chí để giải quyết được nguy cơ đã nói ở trên. Trong đó, về tiêu chuẩn, camera cơ bản cần tiêu chuẩn liên quan phần cứng, xuất xứ, nguồn gốc linh kiện, tiêu chuẩn chất lượng, giấy CO, CQ về đảm bảo chất lượng camera.
Tiêu chuẩn về firmware (phần mềm), liên quan đến bảo mật, pentest (kiểm thử xâm nhập), dữ liệu lưu trữ trên thiết bị (lưu trữ dữ liệu ở vùng nhớ bảo mật). Tiêu chuẩn về cloud, hệ thống camera tiến tới xu hướng dịch vụ hóa giải pháp giám sát, an ninh. Một hệ thống camera luôn đi cùng hệ thống cloud cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Tiêu chuẩn về AI, AI sắp tới sẽ làm nhiều công việc thay cho con người. Đi cùng với công năng, nó có những rủi ro nhất định liên quan đến ra quyết định và xử lý dựa trên thuật toán AI. Bộ tiêu chuẩn AI như thế nào để đáp ứng và kiểm soát rủi ro tối đa. Tiêu chuẩn hệ thống sau bán hàng, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để sử dụng các dịch vụ tốt nhất.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology chia sẻ, phần lớn thiết bị công nghệ lưu hành đều phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định, phục vụ hợp quy hợp chuẩn, nhập khẩu… Camera là một thiết bị công nghệ tích hợp, vừa là thiết bị quang, thiết bị thu phát sóng, máy tính kết nối mạng, cũng là thiết bị IoT, do vậy việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho camera giám sát tiêu thụ trên thị trường Việt Nam là rất cần thiết. Theo tôi được biết thì các cơ quan nhà nước liên quan cũng đang soạn dự thảo tiêu chuẩn cho camera giám sát.
Tiêu chuẩn cho các phân khúc camera khác nhau như camera cho hộ gia đình, camera công cộng, camera giao thông, camera dùng cho khối chính phủ… có những yêu cầu khác nhau về chất lượng, mức thu phát sóng, chịu môi trường… đặc biệt là về mức đảm bảo an toàn bảo mật, tuân thủ luật an ninh mạng.
Ví dụ như, camera an toàn dùng cho khối chính phủ cần có nhiều mức bảo mật khác nhau: mã hóa dùng phần cứng (chip mã hóa chuyên dụng) trên camera, bảo mật phần mềm chống tấn công cài đặt phần mềm lạ, mã hóa luồng video nhằm chống bắt luồng trên đường truyền, mã hóa end-to-end…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi Việt Nam cho hay, Bộ TT&TT đã có Quyết định 736 năm 2021 về việc ban hành Danh mục yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng. Danh mục đã đưa ra khá rõ các yêu cầu về an toàn thông tin mạng cho thiết bị IoT tiêu dùng như: triển khai biện pháp quản lý báo cáo về các lỗ hổng bảo mật, bảo đảm phần mềm trên thiết bị luôn được cập nhật, hay lưu trữ an toàn các tham số bảo mật nhạy cảm…
“Tôi cho rằng hoàn toàn có thể dựa trên các yêu cầu trong danh mục này để xây dựng thành một bộ tiêu chuẩn bắt buộc đối với thiết bị camera, từ đó doanh nghiệp trong nước có các căn cứ, nguyên tắc rõ ràng để áp dụng trong sản xuất sản phẩm của đơn vị mình”, ông Tuấn Anh nói.
Theo VietQ