HỘI THẢO THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM VÀO HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN HÓA QUỐC TẾ

Đăng ngày: 09:40 15-12-2022

Việt Nam mà đại diện là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã là thành viên đầy đủ của tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) từ năm 1977, thành viên liên kết của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) từ năm 2002. Nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên khi tham gia các Ban kỹ thuật TCQT là đề cử chuyên gia, tham dự các cuộc họp và góp ý, bỏ phiếu cho các dự thảo theo yêu cầu. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ dừng ở việc góp ý, bỏ phiếu theo đúng thời hạn, số lượng xử lý nhiều nhưng chất lượng chưa thực sự cao. Do ngân sách dành cho hoạt động này rất hạn hẹp, nên việc trực tiếp tham dự các cuộc họp Ban kỹ thuật TCQT chỉ được thực hiện nếu có nguồn tài trợ từ bên ngoài. Kể từ khi tham gia đến nay, chúng ta chưa thực sự đóng góp được tiếng nói đáng kể trong các tổ chức này, cũng chưa từng đảm nhiệm vai trò chủ chốt trong các Ban kỹ thuật TCQT.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia TCH quốc tế và mong muốn nhận được sự đóng góp ý tưởng từ các bên liên quan, chiều ngày 14/12/2022, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về định hướng và giải pháp thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng phụ trách Hà Minh Hiệp, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Nguyễn Văn Khôi, Lãnh đạo Lãnh đạo Viện TCCL VN, đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện một số Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và các thư ký BKT TCQG của Viện TCCL VN.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường

Hội thảo là cơ hội để lắng nghe các chuyên gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng là dịp để cơ quan TCH quốc gia tham vấn ý kiến của các đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức tham dự hội thảo, các chuyên gia, thành viên BKT.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL chia sẻ một số thông tin chung liên quan đến xây dựng TCQT - quy trình, thủ tục và thực tiễn ở một số quốc gia.

 

PGS, TS. Phan Trung Nghĩa (Đại học Bách khoa Hà Nội) đại diện TCVN/TC 45 Cao su và sản phẩm cao su chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Mặc dù tham gia nhiều năm trong các Ban kỹ thuật TCQT nhưng dấu ấn thực sự phải đến năm 2019, trong nhóm lĩnh vực về cao su của ISO/TC 45, Việt Nam đã có hai chuyên gia đóng vai trò trưởng dự án (Project leader) và đề xuất thành công việc xây dựng mới và soát xét các tiêu chuẩn ISO hiện hành. Đó là PGS.TS. Phan Trung Nghĩa (trưởng nhóm dự án xây dựng mới ISO 24329:2022) và bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc (trưởng nhóm soát xét các tiêu chuẩn thuộc nhóm latex cao su: ISO 1658:2022 Natural Rubber - Evaluation Procedure, ISO 6101-3:2022, ISO 6101-4:2022, ISO 1656:2019, ISO 248-1:2021).

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện TCCL VN trình bày tham luận về tổng quan, thực trạng và đề xuất những định hướng nhằm cải thiện việc tham gia TCH quốc tế trong giai đoạn tới.

Sau các phần trình bày tham luận, các đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức tham dự hội thảo, các chuyên gia, thành viên BKT tiêu chuẩn quốc gia đã có những ý kiến đóng góp như: Việt Nam cần lựa chọn lĩnh vực/đối tượng phù hợp, nâng cao năng lực nội tại về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, xây dựng đội ngũ nhân sự để có thể đảm nhận được các vị trí chủ chốt trong Ban kỹ thuật TCQT, cần có cơ chế khuyến khích các bên tham gia, huy động nguồn lực từ các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, đây mới chỉ là một khởi đầu, sẽ cần tổ chức thêm nhiều hội thảo như thế này để cùng nhìn nhận, phân tích, đánh giá và tìm ra giải pháp cải thiện sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Thực tế có rất nhiều khó khăn, thách thức mà cơ quan tiêu chuẩn quốc gia không thể đơn độc giải quyết, cần có sự đồng hành của các nhà khoa học, các chuyên gia, cá nhân và tổ chức. Việt Nam cần có chiến lược, định hướng phát triển tiêu chuẩn quốc gia thành tiêu chuẩn quốc tế sao cho đảm bảo thực sự mang lại lợi ích cho quốc gia. Có thể phân nhóm theo cấp độ: sản phẩm chiến lược, sản phẩm tiềm năng và sản phẩm quan trọng để có kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu trong dài hạn. Song song với đó cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các bên vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, cần tiếp tục tham vấn các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia để xác định ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng.

Ngọc Bích – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

      

Cùng chuyên mục