Tiêu chuẩn về tái sử dụng nước ở khu vực đô thị với mục tiêu phát triển bền vững
Đăng ngày: 09:36 13-10-2021
Yêu cầu cơ bản nhất của hoạt động tái sử dụng nước
Ngày nay, nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, việc tái sử dụng nước thải qua xử lý có thể cung cấp nguồn nước thay thế phù hợp để đáp ứng phần lớn nhu cầu về nước, ngoại trừ nước ăn uống đòi hỏi chất lượng cao hơn.
Mặt khác, các hoạt động tái sử dụng nước đã qua sử dụng cũng đang là vấn đề đáng lo ngại của các nhà khoa học, nhà quản lý, v.v ở nhiều nơi trên thế giới về những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe con người. Điều này dẫn đến yêu cầu ngày càng tăng từ cả cơ quan quản lý và người sử dụng trong việc đảm bảo an toàn khi sử dụng nước tái tạo và xác định các thông số chất lượng nước phù hợp với ứng dụng và mục đích sử dụng nước cụ thể cũng như phát triển các phương pháp đánh giá, quản lý rủi ro sức khỏe.
Trừ khi những yêu cầu này được giải quyết, nếu không sẽ không có cơ hội cho sự phát triển bền vững dưới hình thức khai thác hợp lý nguồn nước được tái sử dụng (nguồn nước được tái chế để sử dùng lại). Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước được thu hồi/tái tạo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bất kể họ có phải là đối tượng sử dụng nước được tái chế hay không. Tiếp xúc với nước tái chế có thể xảy ra trong quá trình thu gom và xử lý nước thải, lưu trữ và phân phối nước thải đã qua xử lý, sử dụng nước được thu hồi/tái tạo hoặc sau khi sử dụng nước đó. Các rủi ro về sức khỏe cũng có thể xuất hiện trong quá trình vận hành và bảo dưỡng các cơ sở, quá trình thu hồi/tái tạo nước thải.
Mục đích của việc tái sử dụng nước đang tăng lên ở các khu đô thị của nhiều quốc gia, bao gồm phun tưới cảnh quan; sử dụng trong công nghiệp; nước xả nhà vệ sinh và bồn tiểu; dùng để chữa cháy và dập lửa, làm sạch đường phố; sử dụng cho các mục đích giải trí và môi trường (nước có tính chất trang trí, bổ sung cho các thủy vực); rửa xe cộ và các phương tiện giao thông. Các hệ thống tái sử dụng nước tập trung này đã phát triển đến mức được coi là hợp phần hữu hiệu trong quản lý nước đô thị và được sử dụng rộng rãi ở nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới.
Các thành phần cơ bản của hệ thống tái sử dụng nước tập trung bao gồm: các hệ thống thu gom nước thải (cống rãnh, đường ống và trạm bơm), nguồn nước, cơ sở xử lý nước thải; lưu trữ nước thải đã xử lý, hệ thống phân phối nước thải đã xử lý (nước tái chế và nước tái sử dụng); và hệ thống quan trắc chất lượng nước. Các khái niệm và nguyên tắc quản lý phải được áp dụng cho toàn bộ hệ thống, từ nước nguồn đến các hộ tiêu thụ nước thải đã xử lý cuối cùng.
Mỗi thành phần đều cần mô tả và quản lý với cách thức phù hợp. Như vậy các thành phần cơ bản của hệ thống tái sử dụng nước tập trung cũng như tác động đến sức khỏe người sử dụng nước tái tạo đều cần phải có các chế tài hoặc văn bản pháp quy- kỹ thuật để điều chỉnh và thực hành áp dụng.
Ở Việt Nam, để quản lý nước thải, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Nghi định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, khuyến khích giảm thiểu và tái sử dụng nước thải, đồng thời ban hành Nghị định 54/2015/NĐ-CP quy định rõ các ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó bao gồm hoạt động tái sử dụng nước… Các Nghị định này mới chỉ có ý nghĩa là văn bản về chính sách và đường lối chỉ đạo của quản lý nhà nước.
Trong Nghị định 80/2014/NĐ-CP, Điều 24 Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các TCVN, QCVN được quy định cho việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Trường hợp sử dụng nước thải sau xử lý thì nước thải đó phải được phân phối đến điểm tiêu thụ theo hệ thống riêng biệt, đảm bảo không thâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa điểm, khu vực. Điều 24 của Nghị định này cũng quy định Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành TCVN, QCVN về sử dụng nước thải sau xử lý.
Trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Điều 36 quy định nguyên tắc chung về quản lý chất thải cũng nêu rõ khuyến khích giảm thiểu và tái sử dụng nước thải: Nước thải phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu, tái sử dụng nước thải. Điều 40 của Nghi định 38/2015/NĐ-CP cũng nhấn mạnh: Nước thải sau xử lý phải được thu gom cho mục đích tái sử dụng. Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các qui định cụ thể cho từng mục đích sử dụng.
Để thực thi các Điều 23, 24 của Nghị định 80/2014/NĐ-CP và các Điều 36, 40 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, đến nay chỉ có một thông tư có nội dung đề cập đến khả năng tái sử dụng nước thải đó là Thông tư 04/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quản lý xử lý nước thải phi tập trung. Thông tư này có đề cập đến công nghệ áp dụng để thực hiện xử lý nước thải phi tập trung là “bãi lọc trồng cây” và công nghệ “hồ điều hòa”. Theo cách hiểu chung, nếu áp dụng công nghệ này thì có nghĩa là nước thải được thu gom và có thể được tái sử dụng.
Bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về tái sử dụng nước
Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và tích cực tham gia các hiệp định thương mại đa phương. Chính sách này đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt đông tiếp thu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của thế giới, trong đó có hoạt động tiêu chuẩn hóa hài hòa các tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực để áp dụng cho Việt Nam, như các TCVN về bảo vệ môi trường nước và chất lượng nước.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, qui trình kỹ thuật, qui trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất… Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ và thiếu chi tiết do đó hạn chế hiệu quả việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.
Một ví dụ rõ nét là Nghị định 80/2014/NĐ-CP quy định Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành TC, QC về sử dụng nước thải sau xử lý phù hợp theo với từng mục đích sử dụng nguồn nước thải tái chế (Điều 24) cho đến nay chưa được thực hiện đầy đủ.
Các thành phần cơ bản của hệ thống tái sử dụng nước tập trung cho độ thị bao gồm: các hệ thống thu gom nước thải, nguồn nước, cơ sở xử lý nước thải; lưu trữ nước thải đã xử lý, hệ thống phân phối nước thải đã xử lý (nước tái chế và nước tái sử dụng) và hệ thống quan trắc chất lượng nước cùng với các tiêu chuẩn chất lượng nước tái chế và nước tái sử dụng theo mục đích sử dụng cụ thể. Sự quan tâm và thực hiện hệ thống này như với khâu thiết kế và các hướng dẫn thực hiện, biên soạn các tiêu chuẩn của nước tái chế và nước tái sử dụng… đã có ở nhiều nước.
Từ năm 2015, Ban kỹ thuật ISO/TC 282 Water reuse của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã tiến hành biên soan và được ISO công bố các tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về tái sử dụng nước. Để hội nhập kịp thời với các tiêu chuẩn quốc tế này theo tinh thần “tiêu chuẩn hóa đi trước một bước”, các năm 2017, 2018 và 2020 cơ quan tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đã chấp nhận thành các TCVN đầu tiên về tái sử dụng nước và đã được Bộ KH&CN công bố là tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này. Trong đó phải kể đến nhóm tiêu chuẩn về tái sử dụng nước tại khu vực đô thị gồm: TCVN 12526:2018 (ISO 20761:2018) về Hướng dẫn đánh giá an toàn tái sử dụng nước – Thông số và phương pháp đánh giá; và bộ TCVN 12525:2018 (ISO 20760:2018) (gồm 2 phần) về Hướng dẫn cho hệ thống tái sử dụng nước tập trung.
Có một số loại chất ô nhiễm trong nước thải, kể cả chất hữu cơ hòa tan, chất dinh dưỡng, muối, các hóa chất độc hại và nguy hại, các mầm bệnh. Do đó, việc đánh giá an toàn và chấp nhận cộng đồng của chất lượng nước là vấn đề quan trọng và là sự quan tâm lớn trong quá trình tái sử dụng nước ở các khu vực đô thị. An toàn tái sử dụng nước kể cả an toàn sức khỏe, an toàn môi trường và an toàn cho các phương tiện.
Đối với việc sử dụng các loại nước tái tạo khác nhau, con đường tiếp xúc và nguy hại tiềm ẩn là rất khác nhau. Sự đa dạng của các ứng dụng nước tái tạo và những nguy hại liên quan có thể dẫn đến những chênh lệch đáng kể trong các thông số chất lượng nước tương ứng với các ứng dụng khác nhau. TCVN 12526:2018 (ISO 20761:2018) đưa ra các thông số và phương pháp để đánh giá an toàn việc tái sử dụng nước không dùng để uống ở các khu vực đô thị. Các thông số và phương pháp này nhằm hỗ trợ các kỹ sư ngành nước, các nhà quản lý, người ra quyết định và các bên liên quan trong việc xác định an toàn của nước tái tạo cho các mục đích sử dụng cuối cùng.
Viết Khoa - Hương Trà