Giải đáp thắc mắc liên quan đến Nghị định số 111/2021/NĐ-CP và Thông tư 05/2019/TT-BKHCN
Đăng ngày: 08:53 15-11-2022
Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022 đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 111 đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong đó có những vướng mắc cần được hướng dẫn thực hiện. Dưới đây là giải đáp về hai vướng mắc nhận được nhiều sự quan tâm.
Câu hỏi 1: Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc phải có xuất xứ hàng hóa bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan. Với điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP được áp dụng đối với hàng nhập khẩu như thế nào?
Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 quy định:
“Nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã sản xuất, in ấn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng để sản xuất hàng hóa, nhưng không quá 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.”
Nội dung quy định tại điều khoản chuyển tiếp này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Nghị định đã quy định thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để các doanh nghiệp có thể làm nhãn mới thay thế, trong thời gian đó vẫn tiếp tục sử dụng các nhãn hàng hóa đã in theo kế hoạch sản xuất.
Căn cứ quy định trên, trường hợp nhãn hàng hóa của các công ty đã được sản xuất, in ấn đúng theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP theo kế hoạch sản xuất thì được tiếp tục sử dụng để sản xuất, đảm bảo không quá 2 năm kể từ ngày Nghị định số 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Trường hợp nhãn gốc đúng theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP nhưng chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP thì công ty được tiếp tục sử dụng nhưng phải ghi nhãn đầy đủ theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Câu hỏi 2: Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP là quy định bắt buộc về nhãn hàng hóa, Tiêu chuẩn Việt Nam là tài liệu tham khảo? Như vậy nhãn các sản phẩm áp dụng theo quy định nào?
Hàng hóa lưu thông tại Việt Nam thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ; Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trường hợp hàng hóa công bố tiêu chuẩn áp dụng theo TCVN thì phải đảm bảo phù hợp với TCVN đã công bố.
Tổng cục TCĐLCL