Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, hướng đến phát triển bền vững
Đăng ngày: 11:20 15-10-2021
Đây là nội dung chính của Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan tổ chức. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chuyển dịch năng lượng - xu hướng chung của thế giới
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu theo báo cáo về chỉ số rủi ro khó hậu toàn cầu năm 2020.
Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Những năm qua, Việt Nam luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xu hướng phát triển năng lượng của thế giới là thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu mỏ bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn như: gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh, methanol…, trong đó khí tự nhiên đóng vai trò là bước trung gian cho quá trình chuyển đổi này.
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 39 (AMEM 2021) đã ra tuyên bố chung về an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng, với mục tiêu phát triển nền kinh tế ít carbon trong cộng đồng ASEAN, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp và giảm 32% cường độ năng lượng.
Phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, đối với Việt Nam, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững.
Nghị quyết 55 đề ra những mục tiêu cụ thể như: giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 % vào năm 2030 lên mức 20 % vào năm 2045; Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20 % vào năm 2030; 25 - 30 % vào năm 2045; Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 % vào năm 2030 và khoảng 14 % vào năm 2045…
Theo tinh thần của Nghị quyết 55, Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường; nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Thúc đẩy công nghệ để chuyển dịch năng lượng thành công
Tại hội thảo, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và các diễn giả đã cung cấp thông tin, thảo luận, đánh giá về nhiều vấn đề quan trọng như nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, trong đó có đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng.
Ông Phạm Công Hùng- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước, thời gian qua, nhất là trong 2 năm 2019-2020, đã có sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.
Tính đến cuối năm 2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, có 16.420 MW điện mặt trời, 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.
Về các giải pháp chuyển dịch năng lượng, theo ông Hùng, cần khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được, khoảng 20% công suất hệ thống. Ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ khoảng 80%, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra.
Việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm, phù hợp với điều kiện kỹ thuật-vận hành để không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng. Với dự án điện gió ngoài khơi, chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế và hệ thống hạ tầng lưới điện giải tỏa công suất được chuẩn bị sẵn sàng.
PGS. TS Phạm Hoàng Lương- Giám đốc Viện khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng và giảm phát thải môi trường.
Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Hoàng Lương khuyến cáo, cần tích hợp một cách hài hòa và có lộ trình việc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo với khuyến khích thúc đẩy công nghệ hiệu quả năng lượng để thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam.
Thảo luận, đánh giá và làm rõ tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành công nghiệp dầu khí, công nghiệp than và các phân ngành năng lượng khác của Việt Nam, các đại biểu đồng thời đề xuất định hướng và các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Trong đó, đặc biệt đề xuất và kiến nghị các giải pháp, chính sách đối với ngành dầu khí để có thể xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế- năng lượng- công nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình dịch chuyển năng lượng.
Các đại biểu cũng đề nghị tập trung vào các giải pháp, chính sách đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí; đưa ra những kiến nghị cụ thể về các cơ chế, chính sách để ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, các cơ chế thu xếp vốn, vấn đề sửa đổi Luật Dầu khí, cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi…
Lê Kim Liên