TCVN 14212:2024 về thiết kế, thi công móng cần trục tháp đảm bảo chất lượng, an toàn

Đăng ngày: 10:20 14-04-2025

Móng cần trục tháp là bộ phận chịu lực lớn tại các công trình xây dựng theo đó khi thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cần trục tháp nên đáp ứng các yêu cầu theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14212:2024 nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn.

Cần trục tháp hay còn gọi là cẩu tháp là loại có bộ phận thân tháp lắp ráp từ các đoạn tháp rời tăng dần theo chiều cao của công trình, có tầm với rất lớn (có thể đến 50 m). Thường được dùng trong xây dựng cao ốc và các công trình xây dựng lớn. Cần trục tháp có một thân tháp cao từ 30m đến 75m. Phía gần đỉnh tháp có gắn cần dài 12m đến 50m bằng chốt bản lề. Một đầu cần còn lại được treo bằng cáp hoặc thanh kéo đi qua đỉnh tháp.

Phần quay bố trí các cơ cấu công tác gồm: tời nâng vật, tời nâng cần, tời kéo xe con, cơ cấu quay, đối trọng, trang thiết bị điện và các thiết bị an toàn. Phần không quay có thể đặt cố định trên nền hoặc có khả năng di chuyển trên ray nhờ cơ cấu di chuyển.

Tất cả các cơ cấu của cần trục đều được điều khiển từ cabin treo trên cao gần đỉnh tháp. Thiết bị này được dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng và các cấu kiện xây dựng lên cao. Cần trục tháp được lắp ráp từ các cấu kiện, trong các công trình xây dựng có độ cao lớn hơn, khối lượng công việc lớn và trong một thời gian thi công dài. Thường được sử dụng để thi công nhà cao tầng, trụ cầu lớn, công trình thủy điện.

Thiết kế, thi công móng cần trục tháp nên đáp ứng theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Theo đó để đảm bảo tính an toàn thì khi thiết kế, thi công móng cần trục tháp nên đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14212:2024 về thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cần trục tháp do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu để thiết kế, thi công và nghiệm thu móng bê tông cốt thép của cần trục tháp có thân tháp quay hoặc không quay, có cần nâng hạ hoặc nằm ngang, lắp đặt cố định (tĩnh tại) phục vụ quá trình thi công xây dựng công trình.

Lưu ý, khi thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cần trục tháp, ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn này, cần tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn khác có liên quan.

Việc thiết kế và thi công móng bê tông cốt thép cần trục tháp phải dựa trên báo cáo khảo sát địa chát công trình có tính đến các yếu tố như loại kết cấu công trình, điều kiện xây dựng, yêu cầu sử dụng và chi phí dự án, phù hợp với điều kiện địa phương và xây dựng an toàn.

Thiết kế móng cần trục tháp phải phù hợp với các quy định của TCVN 5574, TCVN 5575, TCVN 9362, TCVN 10304 và các tiêu chuẩn khác có liên quan. Khi thiết kế móng cần trục tháp cần được cấp đầy đủ các tài liệu về tải trọng, tính năng kỹ thuật của cần trục tháp cố định lắp ráp với nó.

Thiết kế móng cần trục tháp cần được tính toán lần lượt theo trạng thái đang làm việc và không làm việc. Tải trọng ở trạng thái đang làm việc bao gồm tải trọng bản thân, tải trọng nâng, tải trọng gió và móng của cần trục tháp, với hệ số tổ hợp, trong đó tải trọng nâng không bao gồm hệ số động lực (TCVN 4244). Tải trọng ở trạng thái không làm việc bao gồm tải trọng bản thân, tải trọng gió và móng của cần trục tháp.

Khi thiết kế móng cần trục tháp, tải trọng cũng như tổ hợp được xác định theo TCVN 2737:2023. Khi thiết kế móng cần trục tháp nếu không có điều kiện xác định chính xác các tải trọng tính toán thì có thể sử dụng các thông số được nêu trong chỉ dẫn kỹ thuật cần trục tháp do nhà chế tạo cần trục tháp cung cấp (chỉ dẫn kỹ thuật cần trục tháp) nhưng cần phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn về tải trọng có liên quan.

Khi xác định chiều sâu đặt móng cần tính đến các yếu tố như điều kiện địa chất công trình, giá trị tải trọng cần trục tháp. Cao độ mặt trên móng không nên vượt quá cao độ mặt đất tự nhiên hiện trường.

Nền và móng cần trục tháp cần được tính theo các quy định sau đây: Nền và móng cần trục tháp cần tuân thủ các quy định có liên quan đến khả năng chịu lực. Độ lún, độ lún lệch cho phép của móng cần trục tháp không được vượt quá các giá trị được quy định tại 5.3.4.

Khi thiết kế móng cần trục tháp, có thể sử dụng báo cáo khảo sát địa chất công trình của dự án. Trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung điểm thăm dò tại vị trí móng cần trục tháp.

Móng cần trục tháp cần được trang bị các thiết bị nối đất chống sét với giá trị điện trở được quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật cần trục tháp và phù hợp với TCVN 7549-3, TCVN 9385.

Không lắp ráp hoặc vận hành cần trục tháp khi vận tốc gió từ cấp 5 (thang sức gió Beaufort) trở lên hoặc theo quy định của nhà sản xuất. Khi có bão phải có các biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn cho cần trục tháp như: cơ cấu phanh chuyển động quay được nhả ra để cho cần trục tự do quay trong gió, có các thiết bị phụ như dây giằng hoặc neo giữ cần trục tháp đảm bảo ổn định khi cần trục tháp không làm việc. Theo chiều cao, thân cần trục tháp phải neo chặt vào công trình theo chỉ dẫn kỹ thuật cần trục tháp (nếu cần thiết). Khi nền đất là đất yếu và việc sử dụng móng nông không đáp ứng các yêu cầu về khả năng chịu lực, độ lún của móng cần trục tháp, có thể sử dụng móng cọc.

Lưu ý, khi thiết kế móng cọc phải tính tải trọng tác động lên đầu cọc, sức chịu tải trọng nén và kéo của cọc và nhóm cọc, tính toán đài cọc, v.v., không cần tính độ lún của móng cọc khi mũi cọc được chống vào lớp đất có sức chịu tải cao như cát chặt, chặt vừa. Kết cấu móng cọc cần phù hợp với TCVN 5574 và TCVN 10304. Các chi tiết chôn sẵn cần bố trí theo chỉ dẫn kỹ thuật cần trục tháp. Yêu cầu kiểm tra và nghiệm thu công tác đào đất móng cần phù hợp với các quy định của TCVN 4447.

Sau khi đào móng cần trục tháp, cần tiến hành kiểm tra và nghiệm thu hố móng theo TCVN 9361, đáy hố móng cần kiểm tra về chiều dài, chiều rộng, độ phẳng đáy hố, đặc điểm nền đất có đáp ứng yêu cầu thiết kế, điều kiện địa chất có phù hợp với báo cáo khảo sát địa chất công trình.

Nền đất được gia cố cần được kiểm tra trước khi chính thức thi công, các thông số và ảnh hưởng của việc gia cố cần được chứng minh. Đối với thí nghiệm nén kiểm tra kết quả của việc gia cố, tải trọng thí nghiệm lớn nhất không nhỏ hơn 2 lần giá trị áp lực thiết kế yêu cầu. Ngoài việc tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn này, việc kiểm tra nền đất gia cố còn phù hợp với TCVN 9361.

An Dương (vietq.vn)

Cùng chuyên mục