Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Đăng ngày: 10:14 20-06-2022
Mới đây, QCVN 03:2021/BCA Phương tiện phòng cháy và chữa cháy được ban hành kèm thông tư số 123/2021/TT-BCA ngày 28 tháng 12 năm 2021.
Theo đó, Quy chuẩn QCVN 03:2021/BCA quy định các yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng cho phương tiện phòng cháy và chữa cháy nhập khẩu dưới dạng hàng mẫu, hàng trưng bày triển lãm, hội chợ; hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam.
Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cơ quan, tổ chức có liên quan về quản lý chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Quy định về kiểm định phương thức kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy, đối với mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy và mẫu cấu kiện ngăn cháy (sau đây gọi là mẫu kết cấu, cấu kiện) quy định tại mục 2.4 của Quy chuẩn kỹ thuật này: Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với mẫu kết cấu, cấu kiện.
Số lượng, quy cách mẫu để thử nghiệm thực hiện theo quy định tại mục 2.4 của Quy chuẩn kỹ thuật này; mẫu do đơn vị kiểm định trực tiếp giám sát, lấy mẫu. Sau khi thực hiện kiểm định, đơn vị trực tiếp kiểm định có trách nhiệm lưu một mẫu có cấu tạo tương tự mẫu đã thử nghiệm, thời gian lưu là 18 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu.
Giấy chứng nhận kiểm định có giá trị đối với mẫu kết cấu, cấu kiện đã được lấy mẫu thử nghiệm của đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định. Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường. Đơn vị sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm tương ứng với mẫu đã được kiểm định khi đưa ra lưu thông trên thị trường và quy định của pháp luật có liên quan về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đối với các phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này (trừ phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 2.4 của Quy chuẩn): Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định đối phương tiện phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào lưu thông.
Số lượng mẫu phương tiện để thử nghiệm được lấy tương ứng theo từng loại phương tiện quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này; mẫu do đơn vị kiểm định trực tiếp lấy mẫu. Các mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy sau khi thử nghiệm, đơn vị trực tiếp kiểm định phải trả lại cho đơn vị đề nghị kiểm định (trừ các phương tiện phòng cháy và chữa cháy bị tiêu hao trong quá trình thử nghiệm). Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được kiểm định đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem theo quy định.
Về ghi nhãn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được ghi nhãn theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ghi nhãn sản phẩm hàng hóa và yêu cầu chi tiết tại các tiêu chuẩn hiện hành.
Đối với sản phẩm đã được kiểm định mẫu kết cấu, cấu kiện ngăn cháy, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm về hàng hóa ghi nhãn hàng hóa bao gồm các thông tin sau: Tên đơn vị sản xuất; mã, ký hiệu; năm sản xuất sản phẩm, giới hạn chịu lửa của sản phẩm, số Giấy chứng nhận kiểm định mẫu, ngày, tháng, năm cấp giấy, cơ quan cấp giấy; trọng lượng trung bình/m2 của tấm cánh cửa (đối với cửa ngăn cháy).
Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng