Quản lý đổi mới thành công nhờ tiêu chuẩn
Đăng ngày: 14:12 05-03-2020
Một hệ thống quản lý đổi mới sẽ giúp các tổ chức nắm bắt những ý tưởng tốt nhất và liên tục cải tiến để theo kịp sự cạnh tranh. Tiêu chuẩn mới nhất trong bộ tiêu chuẩn ISO về quản lý đổi mới vừa được ISO chính thức công bố.
ISO 56000, Quản lý đổi mới - Nguyên tắc cơ bản và từ vựng, là phần thứ tư trong bộ tiêu chuẩn gồm tám phần và các tài liệu hướng dẫn khác được thiết kế để giúp các tổ chức sử dụng chính xác các thuật ngữ về quản lý đổi mới và truyền đạt một cách nhất quán về các quá trình, thành tựu và lộ trình học tập của tổ chức. Tiêu chuẩn này đưa ra các từ vựng, khái niệm cơ bản và nguyên tắc quản lý đổi mới và rất hữu ích cho các tổ chức muốn làm cho các hoạt động quản lý đổi mới của mình rõ nét và đáng tin cậy.
Bà Alice de Casanove, Trưởng ban kỹ thuật ISO chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn này, cho biết tất cả các tổ chức, bất kể tính chất hay quy mô, cần liên tục phát triển để tồn tại, và bộ tiêu chuẩn ISO 56000 sẽ giúp họ thực hiện điều đó một cách có cấu trúc và hiệu quả. Đổi mới là việc tạo ra một cái gì đó mới làm gia tăng giá trị; đó có thể là một sản phẩm, một dịch vụ, một mô hình kinh doanh hoặc một tổ chức. Giá trị được thêm vào không nhất thiết phải là tài chính mà, ví dụ, cũng có thể là xã hội hoặc môi trường. Bộ ISO 56000 sẽ giúp các tổ chức cải thiện đáng kể khả năng tồn tại trong thế giới luôn thay đổi và bất định của chúng ta. Bộ tiêu chuẩn này cho phép các tổ chức tự mình tái sáng tạo trong lâu dài.
Các chuyên gia tham gia xây dựng ISO 56000 đã hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để thiết lập sự hiểu biết chung về khái niệm đổi mới. Các định nghĩa đã được thống nhất hiện được sử dụng trong cả tiêu chuẩn ISO và trong Sổ tay hướng dẫn Oslo của OECD-EU, đây là hướng dẫn tham khảo quốc tế về thu thập và sử dụng dữ liệu về đổi mới.
Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã được tham vấn về các khía cạnh kỹ thuật của thuật ngữ ở một số giai đoạn trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn.
Ngoài ISO 56000, bộ ISO về quản lý đổi mới bao gồm các tiêu chuẩn đã công bố sau đây:
- ISO 56002, Quản lý đổi mới - Hệ thống quản lý đổi mới - Hướng dẫn
- ISO 56003, Quản lý đổi mới - Công cụ và phương pháp cho quan hệ đối tác đổi mới - Hướng dẫn
- ISO/TR 56004, Đánh giá quản lý đổi mới - Hướng dẫn
Một số tiêu chuẩn đang trong quá trình xây dựng, bao gồm:
- ISO 56005, Quản lý đổi mới - Công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ - Hướng dẫn
- ISO 56006, Quản lý đổi mới - Quản lý tình báo chiến lược - Hướng dẫn
- ISO 56007, Quản lý đổi mới - Quản lý ý tưởng
- ISO 56008, Quản lý đổi mới - Công cụ và phương pháp để đo lường hoạt động đổi mới - Hướng dẫn
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 do Ban kỹ thuật ISO/TC 279, Quản lý đổi mới, xây dựng. Ban thư ký được tổ chức bởi AFNOR, cơ quan tiêu chuẩn Pháp - thành viên của ISO.
(Nguồn: VSQI, ISO)