QCVN 26:2024/BGTVT góp phần ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển
Đăng ngày: 09:53 12-06-2024
Bộ Giao thông Vận tải ban hành đã QCVN 26:2024/BGTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu, bổ sung nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường biển.
Ảnh minh họa.
Quy chuẩn này được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2024/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2024, thay thế Thông tư số 09/2019/TT-BGTVT ngày 01 tháng 3 năm 2019. Đối với các tàu bắt đầu đóng mới trước ngày thông tư này có hiệu lực, sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại QCVN 26:2018/BGTVT, trừ các trường hợp cụ thể được quy định trong QCVN 26:2024/BGTVT.
Một trong những điểm nổi bật của QCVN 26:2024/BGTVT là quy định cụ thể liên quan đến thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu. Đây là một trong những quy chuẩn quan trọng nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành hàng hải thế giới về việc giảm cường độ carbon trong vận tải biển quốc tế. Các tiêu chuẩn này hướng tới "các mức độ tham vọng" đặt ra trong chiến lược ban đầu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu.
Quy chuẩn mới áp dụng cho tất cả các tàu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế. Các tiêu chuẩn mới được bổ sung chủ yếu tập trung vào hiệu quả năng lượng của tàu, bao gồm các tiêu chí để đo lường và giảm phát thải như: Chỉ số cường độ carbon (CII); Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với các tàu hiện có (EEXI).
Theo đó, EEXI đạt được phải tính toán phù hợp với quy định và hướng dẫn của IMO. Đối với chỉ số cường độ carbon khai thác hàng năm (CII khai thác hàng năm đạt được), các tàu có tổng dung tích từ 5.000 GT trở lên phải tính toán CII khai thác hàng năm đạt được trong 12 tháng sau khi kết thúc mỗi năm.
Đối với CII khai thác hàng năm đạt được phải lập thành tài liệu và đăng kiểm kiểm tra để xác định xếp hạng cường độ carbon khai thác ở các hạng A, B, C, D, hoặc E, tương ứng với các mức độ xuất sắc, tốt, trung bình, và kém. Nếu tàu được xếp loại hạng D trong 3 năm liên tiếp hoặc xếp loại hạng E, cần xây dựng kế hoạch hành động khắc phục để đạt được CII khai thác hàng năm yêu cầu.
Về kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng của tàu (SEEMP) phải được thẩm định lại và bao gồm kế hoạch hành động khắc phục phù hợp với hướng dẫn của IMO. SEEMP sửa đổi phải được trình cho đăng kiểm để thẩm định không muộn hơn một tháng sau khi báo cáo CII khai thác hàng năm đạt được. Các tàu xếp loại hạng D trong 3 năm liên tiếp hoặc xếp loại hạng E phải thực hiện đúng các hành động khắc phục theo kế hoạch phù hợp với SEEMP sửa đổi.
Việc ban hành QCVN 26:2024/BGTVT là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển và giảm phát thải khí nhà kính từ tàu. Các quy định mới không chỉ nâng cao hiệu quả năng lượng mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm cường độ carbon trong vận tải biển quốc tế, phù hợp với các chiến lược và mục tiêu của IMO.
Duy Trinh (theo vietq.vn)