Những ‘mốc son’ trên hành trình gần 30 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Đăng ngày: 15:31 18-12-2024
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia như một lời khẳng định đanh thép cho sự danh giá của mỗi doanh nghiệp khi cầm trên tay chiếc cúp của giải thưởng cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, hầu hết doanh nghiệp trong mọi quốc gia thuộc mọi loại hình đều quan tâm hàng đầu đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có những nhận thức mới, đúng đắn về chất lượng.
Có thể nói, thắng bại trong cuộc chạy đua đường dài hướng đến phát triển bền vững đang còn ở phía trước. Nhưng phần thắng chắc chắn thuộc về những quốc gia và doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh đúng đắn, trong đó có chiến lược vì chất lượng. Do đó, việc tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức làm ăn chân chính, có năng suất và chất lượng tốt thông qua Giải thưởng Chất lượng Quốc gia chính là “bàn đạp” cho sự phát triển của cả nền kinh tế.
Ảnh tư liệu: Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Hội nghị Chất lượng Việt nam lần thứ nhất (1995).
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - bước phát triển cho hoạt động Giải thưởng Chất lượng của Việt Nam
Vào tháng 8/1995, tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố việc khởi xướng Phong trào Năng suất Chất lượng trong Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất (1996-2005) theo sáng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
Cũng tại Hội nghị đó, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thông báo về việc thiết lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Giải thưởng chính thức triển khai từ năm 1996.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xây dựng và triển khai trên thành công của 13 năm hoạt động Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (1996-2008) được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 74/2018/ NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.
Sự hình thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đánh dấu bước phát triển mới cho hoạt động Giải thưởng Chất lượng của Việt Nam nói riêng và phong trào Năng suất Chất lượng tại Việt Nam nói chung, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Giải thưởng Chất lượng đối với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam nằm trong hệ thống giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Golbal Performance Excellence Award - GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Quality Organization - APQO).
3 dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Giai đoạn 1 (1996 - 1999): Đây là giai đoạn xây dựng những nền tảng ban đầu, các hoạt động chủ yếu mang tính tuyên truyền nhằm xây dựng Phong trào Năng suất Chất lượng của Việt Nam.
Giai đoạn 2 (2000 - 2008): Đây là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt quan trọng được thể hiện ở hai sự kiện:
Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia chính thức Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA);
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp đoạt giải Vàng. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao và đánh giá đúng mức vị trí, tầm quan trọng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Giai đoạn 3 (từ 2009 - đến nay): Đây là giai đoạn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ vị thế, vai trò của một giải thưởng ở tầm cỡ quốc gia. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được quy định trong Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa năm 2007, và năm 2009 Giải thưởng Chất lượng Quốc gia chính thức được triển khai theo Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa.
Tính từ năm 1996 đến nay, đã có 2.030 lượt doanh nghiệp được trao Giải thưởng với 280 lượt doanh nghiệp đoạt giải Vàng, 1.750 lượt doanh nghiệp đoạt giải Bạc, 139 lượt doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 52 lượt doanh nghiệp đoạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Một số kết quả tiêu biểu của hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Tôn vinh xứng đáng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp áp dụng hiệu lực và hiệu quả các mô hình, hệ thống quản lý tiên tiến; có thành tích nổi bật trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động; làm quen với các chuẩn mực quốc tế để sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới; đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp được đề cử tham gia và đoạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là những doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương, tham gia và đóng góp tích cực cho hoạt động năng suất - chất lượng tại địa phương và cả nước.
Nâng cao nhận thức của lãnh đạo cao nhất và doanh nghiệp nói chung về vai trò của quản lý chất lượng trong việc nâng cao năng suất: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức đúng lợi ích của việc áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động mọi nguồn lực sẵn có, chỉ đạo và lôi cuốn mọi người cùng tham gia xây dựng, áp dụng và hoàn thiện hệ thống quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như luôn sẵn sàng thoả mãn các yêu cầu của khách hàng.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp doanh nghiệp hoàn thiện chiến lược hoạt động: Các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trước hết, cần xác định rằng, việc được trao giải là quan trọng nhưng chấp nhận và áp dụng mô hình, hệ thống quản lý tiên tiến để không ngừng hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trên cơ sở cơ cấu hoá và hệ thống hoá các công việc trong nội bộ doanh nghiệp theo định hướng cải tiến và đổi mới liên tục.
Ngọc Xen (theo vietq.vn)