ISO 50001: Giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động để phát triển trong môi trường cạnh tranh

Đăng ngày: 15:44 18-07-2023

Hiện nay, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề giảm chi phí hoạt động và giảm giá thành để có thể tồn tại trong môi tường cạnh tranh khốc liệt. Và tiêu chuẩn ISO 50001 ra đời để giúp doanh nghiệp loại bỏ được nỗi lo trên.

ISO 50001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý năng lượng do tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế – ISO xây dựng và ban hành.

Tiêu chuẩn này được thiết kế dựa trên mô hình PDCA (Hoạch định – Thực hiện – Kiểm tra – Cải tiến). Do đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng một cách riêng biệt hoặc lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000…ISO 50001 có thể áp dụng cho bất kì tổ chức/doanh nghiệp nào.

ISO 50001 khi được áp dụng thực tiễn vào kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập một quá trình để liên tục cải tiến các hoạt động liên quan đến năng lượng và tăng sức cạnh tranh góp phần lớn vào nâng cao năng suất.

ISO 50001 là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong vấn đề tiết kiệm năng lượng

Đối với doanh nghiệp, có nhiều yếu tố cấu thành chi phí hoạt động, trong đó chi phí sử dụng năng lượng có thể chiếm phần lớn và đóng vai trò ngày càng quan trọng khi giá năng lượng luôn có xu hướng tăng không ngừng. Các doanh nghiệp không thể kiểm soát được giá cả của các nguồn năng lượng, các chính sách của Chính phủ hay toàn bộ nền kinh tế khi mà giá thành năng lượng phụ thuộc lớn vào giá thành nhiên liệu thế giới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể cải thiện phương pháp quản lý năng lượng nhằm giảm chi phí cũng như lượng năng lượng tiêu thụ khi áp dụng ISO 50001.

Thực tế cho thấy, ISO 50001đã có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triền bền vững của doanh nghiệp và ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới. Mặc dù, việc áp dụng ISO 50001 nhiều khi là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp khi phải nâng cao không những năng lực quản lý mà còn cả năng lực và hạ tầng kĩ thuật với chi phí đầu tư đáng kể.

Tại Việt Nam, số lượng các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng và được chứng nhận phù hợp với ISO 50001 hiện còn khá khiêm tốn chỉ vài chục doanh nghiệp nên hiệu quả cho việc tiết kiệm năng lượng ở nước ta chưa thực sự lớn.

Tuy nhiên, tại một số quốc gia con số doanh nghiệp đã áp dụng ISO 50001 ngày một tăng cao và đã có những hiệu quả đáng kể trong vấn đề tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, Delta Electronics – nhà cung cấp các giải pháp quản lý nhiệt và năng lượng đã báo cáo giảm mức tiêu thụ điện năng năm 2020 giảm 10,51 triệu kWh so với cùng kì. Điều này tương đương với việc giảm 10,2 nghìn tấn khí thải carbon và tiết kiện được 1,2 triệu USD.

Hay tại Ấn Độ, Nhà máy Nhiệt điện Dahanu ở Maharashtra dự kiến sẽ tích lũy khoản tiết kiệm hàng năm khoảng 96,4 triệu rupi tương đương 1,7 triệu USD từ việc nâng cao hiệu quả năng lượng và quản lý nhờ áp dụng ISO 50001 .

Tại Áo, khu đô thị Bad Eisenkappel, với 2.400 cư dân, kì vọng mức tiêu thụ năng lượng sẽ giảm gần 25% với mức tiết kiệm chính đạt được bằng cách cập nhật nhà máy nước thải và giảm mức tiêu thụ năng lượng 86000kWh, tương đương 16.000 bảng Anh.

Tập đoàn BSI đã công bố một nghiên cứu tình huống cho thấy, Đại học Shefield Hallam ở Anh đã giảm 11% lượng khí thải carbon sau khi được chứng nhận ISO 50001. Điều này mang lại khoản tiết kiệm hàng năm hơn 100.000 bảng Anh.

Vào tháng 12 năm 2013, Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu của Vương Quốc Anh đã trở thành cơ quan Chính phủ trung ương đầu tiên đạt được chứng nhận phù hợp theo các yêu cầu của ISO 50001, với niềm tin rằng quản lý năng lượng có hệ thống sẽ dẫn đến việc giảm năng lượng đáng kể cà do đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế – ISO đã tuyên bố rằng họ tin tưởng ISO 50001 có thể ảnh hưởng tới 60% mức sử dụng năng lượng của thế giới. Bởi, theo kết quả khảo sát năm 2018 của ISO dựa trên nguồn thông tin từ các tổ chức chứng nhận trên toàn thế giới, tính đến 31/12/2018, tổng cộng có 14.549 chứng chỉ ISO 50001 đã được cấp, còn hiệu lực cho các tổ chức doanh nghiệp ở 160 quốc gia, nền kinh tế toàn cầu. Đến nay, con số đó có thể đã tăng lên gấp nhiều lần.

Phương Nam (VietQ.vn)

Cùng chuyên mục