HỘI NGHỊ LẦN THỨ 38 CỦA NHÓM CÔNG TÁC CAO SU VÀ CÁC SẢN PHẨM CAO SU ASEAN (RBPWG) VÀ CÁC SỰ KIỆN LIÊN QUAN
Đăng ngày: 08:50 30-09-2024
HỘI NGHỊ LẦN THỨ 38 CỦA NHÓM CÔNG TÁC CAO SU VÀ CÁC SẢN PHẨM CAO SU ASEAN (RBPWG) VÀ CÁC SỰ KIỆN LIÊN QUAN
Sau một thời gian dài do đại dịch Covid 19, bắt đầu từ năm 2020 đến quý 1 năm 2024, các hội nghị của Nhóm công tác cao su Asean và các sự kiện liên quan đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị lần thứ 29 của Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) và hội nghị lần thứ 38 của Nhóm công tác sản phẩm cao su (RBPWG) thuộc Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) đã được tổ chức trực tiếp tại hòn đảo xinh đẹp Langkawi, Malaysia từ ngày 24/9 đến 26/9/2024.
Tham dự các hội nghị có đại diện đến từ 07 quốc gia thành viên (Cambodia, Lào, Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan và Việt Nam) và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam bao gồm đại diện đến từ Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường
Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Trung tâm Công nghệ Cao su – Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trưởng đoàn Việt Nam: Bà Trần Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng – Phòng Tiêu chuẩn Chất lượng Hoá chất, dầu khí, xây dựng và công trình giao thông và y tế - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam
Hội nghị lần thứ 29 Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) tiếp tục thảo luận các vấn đề hài hoà tiêu chuẩn ISO trong khu vực Asean, với tổng số 18 tiêu chuẩn ISO được đề xuất vào danh mục hài hoà. Và các nước thành viên đã nhất trí RBPWG trình Nhóm Công tác 1 (WG1) đưa vào danh mục hài hoà 05 tiêu chuẩn ISO phiên bản mới nhất, cụ thể là ISO 125:2020, ISO 506:2020, ISO 1656:2020, ISO 4660:2020 và ISO 23464:2020. Ngoài ra, Hội nghị vẫn tiếp tục đề xuất hài hoà các tiêu chuẩn bổ sung liên quan đến latex cao su thiên nhiên, ống cao su, hài hoà sản phẩm cao su cho ô tô Non-UNECE, các sản phẩm cao su sáng tạo và mới như cao su làm bộ cách ly đàn hồi chống động đất cho các công trình toà nhà và cầu.
Hội nghị lần thứ lần thứ 38 của Nhóm công tác sản phẩm cao su, các đại biểu đã được cập nhật thông tin về những phát triển gần đây liên quan các sáng kiến
hội nhập kinh tế ở ASEAN, cập nhật Đánh giá cuối kỳ (ETR) Kế hoạch chiến lược về Tiêu chuẩn và Đánh giá Sự phù hợp 2016 – 2025 và việc xây dựng Kế hoạch chiến lược ACCSQ sau năm 2025. Tại hội nghị này, Việt Nam đã báo cáo về việc tham gia tích cực vào công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO trong lĩnh vực cao su theo các chương trình làm việc của Ban Kỹ thuật về cao su của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế – ISO/TC 45. Việt Nam được ISO/TC 45/SC 3 [Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Nguyên liệu thô (bao gồm latex) sử dụng trong ngành cao su] giao là trưởng dự án soát xét tiêu chuẩn ISO 127:2018 Latex cao su thiên nhiên cô đặc – Xác định trị số KOH và bộ tiêu chuẩn ISO 6101
Cao su – Xác định hàm lượng kim loại bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử.
Những hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ nhóm công tác cao su Asean và sự tích cực tham gia vào công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO là những đóng góp tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ASEAN, khẳng định vị trí, vai trò của công tác tiêu chuẩn hóa đối với các lĩnh vực sản phẩm cao su khi Việt Nam là quốc gia đứng trong top 5 trên thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên. Theo thống kê, năm 2023 cao su Việt Nam giữ vị trí thứ năm về diện tích, thứ ba về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới và dẫn đầu về năng suất trong khu vực châu Á với hoạt động xuất khẩu ba nhóm mặt hàng sản phẩm cao su là cao su thiên nhiên, gỗ và sản phẩm gỗ cao su duy trì mức tăng trưởng tích cực.
Trần Thị Thanh Xuân – Viện TCCL