Yêu cầu về sơ chế, chế biến thực phẩm Halal theo TCVN 12944:2020

Đăng ngày: 09:55 10-12-2024

TCVN 12944:2020 là tài liệu để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong việc thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm Halal và là nền tảng cho việc tiếp cận các tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới cũng như cơ sở cho việc chứng nhận sản phẩm..


Halal là thị trường có tiềm năng rất lớn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm thâm nhập. Tuy nhiên, thị trường Halal có tiêu chuẩn rất khắt khe, bởi vậy doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cần thiết về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm này.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12944:2020: Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung là một trong những tiêu chuẩn quan trọng, nhằm đưa ra định nghĩa đối với một số thuật ngữ liên quan đến Halal và các yêu cầu đối với nguồn thực phẩm này (quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản cũng như an toàn thực phẩm).

Halal là thị trường có tiềm năng rất lớn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

TCVN 12944:2020 là tài liệu để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong việc thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm Halal và là nền tảng cho việc tiếp cận các tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới cũng như cơ sở cho việc chứng nhận sản phẩm.

Trong đó, đối với quá trình sơ chế, chế biến, tiêu chuẩn này nêu rõ về các yêu cầu chung như sau: Không sử dụng các thành phần hoặc sản phẩm từ động vật không phải là halal hoặc từ động vật halal nhưng được giết mổ không theo Luật Hồi giáo; Không sử dụng các thành phần bị coi là najis (najis - những chất bẩn theo Luật Hồi giáo); dụng cụ, thiết bị được sử dụng phải không bị ô nhiễm bởi najis;

Trong quá trình sơ chế, chế biến, cần tách biệt hoàn toàn thực phẩm halal với mọi thực phẩm khác không đáp ứng yêu cầu hoặc mọi chất bị coi là najis; Sản phẩm phải an toàn để tiêu dùng, không chứa độc tố, không bị nhiễm độc tố và không gây hại đến sức khỏe con người.

Đồng thời, cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm halal phải tạo điều kiện cho tín đồ Hồi giáo thực hiện việc hành lễ trong thời gian làm việc; Cơ sở giết mổ và chế biến phải dành riêng để giết mổ động vật halal và chế biến thực phẩm halal.

Bên cạnh đó, về yêu cầu đối với thiết bị, dụng cụ sử dụng trong sơ chế, chế biến, TCVN 12944:2020 cũng nêu rõ: Thiết bị, dụng cụ dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm halal phải được thiết kế, chế tạo để dễ làm sạch; không được làm từ vật liệu là najis hoặc chứa vật liệu là najis và chỉ sử dụng vật liệu dùng cho thực phẩm halal;

Không sử dụng chung thiết bị, dụng cụ dùng cho sơ chế, chế biến thực phẩm halal và sơ chế, chế biến thực phẩm không halal; Thiết bị, dụng cụ đã từng dùng để sơ chế, chế biến thực phẩm bị coi là najis al-mughallazah (những chất bẩn nghiêm trọng) như sản phẩm từ chó, lợn hoặc đã từng tiếp xúc với najis al-mughallazah thì thiết bị, dụng cụ đó phải được rửa sạch và sertu theo Luật Hồi giáo;

Nếu chuyển đổi dây chuyền chế biến najis al-mughailazah hoặc dây chuyền chế biến có chứa najis al-mughallazah thành dây chuyền chế biến halal thì dây chuyền đó phải được làm sạch bằng sertu (rửa bảy lần với nước tự nhiên (mutlaq), trong đó có một lần rửa bằng nước trộn với đất). Không được chuyển đổi qua lại giữa dây chuyền halal và dây chuyền najis al-mughallazah; Không được sử dụng thiết bị hoặc bàn chải từ lông động vật bị cấm; Thiết bị, dụng cụ dùng trong sơ chế, chế biến phải được làm sạch và bảo trì thường xuyên.

Mai Phương (vietq.vn)

Cùng chuyên mục