TCVN 14397:2025 – Hướng dẫn đánh giá kết quả đầu ra của chính sách

Đăng ngày: 15:13 23-05-2025

Trong bối cảnh đổi mới phương thức quản trị quốc gia, đánh giá kết quả đầu ra của chính sách không chỉ là yêu cầu về kỹ thuật quản lý mà còn là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền.


Ngày 29/4/2025 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 774/QĐ-BKHCN về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14397:2025 Hướng dẫn đánh giá kết quả đầu ra của chính sách.

Tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm thiết lập cách tiếp cận thống nhất, khoa học và khả thi trong toàn bộ chu trình chính sách - từ xây dựng, thực thi đến giám sát và điều chỉnh. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở thông lệ quốc tế, gắn với yêu cầu đổi mới tư duy từ quản lý theo đầu vào sang quản lý theo kết quả, đồng thời tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.

Việc áp dụng tiêu chuẩn này sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, cải thiện chất lượng chính sách, thúc đẩy phát triển bền vững, hội nhập hiệu quả vào nền quản trị hiện đại toàn cầu.

Cải thiện chất lượng chính sách góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, hội nhập hiệu quả vào nền quản trị hiện đại toàn cầu. (Ảnh minh họa)

TCVN 14397:2025 được xây dựng nhằm cung cấp hướng dẫn thống nhất, khoa học và khả thi cho việc đánh giá kết quả đầu ra của chính sách trong hoạt động quản lý nhà nước. Tiêu chuẩn này ra đời với mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế, thúc đẩy hiệu quả chính sách và tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách công.

Tiêu chuẩn có thể áp dụng cho tất cả cơ quan quản lý nhà nước trong toàn bộ chu trình chính sách, bao gồm các giai đoạn từ xây dựng, phê duyệt, thực thi đến đánh giá và điều chỉnh chính sách. Chu trình chính sách được mô tả theo bốn giai đoạn khép kín: xây dựng, phê duyệt, thực thi và đánh giá chính sách. Mỗi giai đoạn trong chu trình đều gắn với các yêu cầu cụ thể, bảo đảm chính sách được xây dựng dựa trên bằng chứng về sự cần thiết phải ban hành chính sách nhằm phục vụ lợi ích công và thích ứng với bối cảnh thay đổi. Mỗi giai đoạn có vai trò riêng, được thực hiện theo trình tự logic nhằm bảo đảm tính khoa học, hiệu quả và phục vụ lợi ích công.

Tiêu chuẩn nêu ra các yêu cầu cơ bản làm cơ sở đánh giá, bảo đảm chính sách giải quyết một cách hiệu lực và hiệu quả vấn đề thực tiễn, tạo chuyển biến rõ rệt, bảo đảm lợi ích công, công bằng, minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học, có bằng chứng. Chính sách cần được thiết kế tối ưu, phù hợp từng đối tượng, hài hòa trong nước và quốc tế, thúc đẩy đổi mới và có cơ chế thí điểm, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả thực thi.

Tiêu chuẩn cụ thể hóa các công việc được thực hiện trong chu trình chính sách, bao gồm: xây dựng, phê duyệt, thực thi và đánh giá chính sách (xem Hình 1), gắn với các yêu cầu cơ bản nêu trên.

Giai đoạn xây dựng chính sách bao gồm xác định vấn đề và đưa vào chương trình nghị sự, phân tích, soạn thảo chính sách, tham vấn các bên liên quan và thí điểm chính sách, nếu cần.

Giai đoạn phê duyệt chính sách bao gồm việc đệ trình, thẩm định và ra quyết định chính sách.

Giai đoạn thực thi chính sách cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, xác định trách nhiệm, phân bổ nguồn lực,… trong đó, việc truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng với lưu ý bổ sung là công việc này có thể được thực hiện xuyên suốt chu trình chính sách. Cuối cùng là giai đoạn đánh giá chính sách, bao gồm giám sát, đánh giá chính sách, điều chỉnh, sửa đổi hoặc kết thúc chính sách.

Hình 1 – Chu trình chính sách.

Trọng tâm của tiêu chuẩn là hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của chính sách, với tổng cộng 9 tiêu chí chính. Mỗi tiêu chí đều có các chỉ số đầu ra chính và hàng chục chỉ số thành phần đi kèm, nhằm đo lường cụ thể, toàn diện kết quả thực hiện của chính sách. Tùy thuộc vào loại chính sách, cơ quan ban hành chính sách có thể lựa chọn các tiêu chí phù hợp để đánh giá kết quả đầu ra của chính sách.

Cụ thể, tiêu chí Tính nhất quán bao gồm 5 chỉ số đầu ra chính và hơn 25 chỉ số thành phần, cùng với gần 70 kết quả đầu ra và chỉ số đo lường kết quả tương ứng. Tiêu chí này đánh giá mức độ phù hợp của chính sách với các mục tiêu phát triển quốc gia, cũng như tính nhất quán về mặt xã hội, môi trường, pháp lý và quốc tế. Ví dụ về chỉ số bao gồm tỷ lệ chính sách phù hợp với ưu tiên quốc gia, tỷ lệ giảm phát thải cacbon và số lượng dự án phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiêu chí Hỗ trợ tăng trưởng có 7 chỉ số đầu ra chính, 36 chỉ số thành phần và gần 80 kết quả đầu ra, tập trung vào việc đo lường sự đóng góp của chính sách vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, phát triển hạ tầng và đổi mới khu vực tư nhân. Các chỉ số điển hình bao gồm tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm, số lượng việc làm mới được tạo ra, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận tài chính, và tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng.

Tiêu chí Năng lực cạnh tranh được đánh giá qua 5 chỉ số đầu ra chính và 25 chỉ số thành phần, cùng với 60 kết quả đầu ra cụ thể. Tiêu chí này tập trung vào môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiếp cận thị trường và khả năng đổi mới công nghệ. Ví dụ: thời gian đăng ký kinh doanh, lượng vốn FDI thu hút, và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ số.

 
Có thể đánh giá tổng thể về các hướng dẫn trong tiêu chuẩn:

- Tính định lượng cao, thể hiện ở các chỉ số đo lường kết quả đều có thể định lượng, giúp theo dõi tiến độ và hiệu quả chính sách một cách minh bạch và khách quan.

- Phù hợp với nhiều loại chính sách: Hệ thống chỉ số linh hoạt, cho phép cơ quan quản lý lựa chọn tiêu chí và chỉ số phù hợp với từng loại chính sách và mục tiêu cụ thể.

- Tăng cường minh bạch và trách nhiệm: Việc đánh giá dựa trên các chỉ số rõ ràng giúp nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các bên liên quan trong quản trị quốc gia.

- Hướng tới phát triển bền vững: Tiêu chí về tính bền vững và tác động xã hội được chú trọng, phù hợp xu hướng quản lý chính sách hiện đại và yêu cầu hội nhập quốc tế.
 

Tiêu chí Tính phù hợp có 4 chỉ số đầu ra chính và 20 chỉ số thành phần, 39 kết quả đầu ra. Nó đo lường sự phù hợp của chính sách với các kế hoạch phát triển quốc gia, sự tham gia của các bên liên quan, tính khả thi và cơ chế điều chỉnh chính sách. Chỉ số ví dụ gồm tỷ lệ chính sách có nguồn tài trợ bảo đảm, tỷ lệ chính sách được tham vấn công khai.

Tiêu chí Tác động kinh tế có 5 chỉ số đầu ra chính, 26 chỉ số thành phần và trên 50 kết quả đầu ra. Các nội dung đánh giá bao gồm tăng trưởng bình quân đầu người, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện phân phối thu nhập (thông qua hệ số Gini) và mức đầu tư vào các lĩnh vực bền vững.

Tiêu chí Hiệu lực đánh giá khả năng thực thi của chính sách, mức độ bao phủ nhóm dân cư mục tiêu và khả năng thích ứng lâu dài. Có 4 chỉ số đầu ra chính, 17 chỉ số thành phần và gần 50 kết quả đầu ra, ví dụ như tỷ lệ dân số mục tiêu được hưởng lợi, tỷ lệ hoàn thành mục tiêu chính sách.

Tiêu chí Hiệu quả đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực, chi phí hành chính và thời gian thực hiện. Ví dụ như tỷ lệ ngân sách sử dụng hiệu quả, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, tỷ lệ dịch vụ công được cung cấp đúng hạn. Đánh giá thông qua 4 chỉ số kết quả đầu ra chính, 21 chỉ số thành phần, 42 kết quả đầu ra.

Tiêu chí Tác động xã hội gồm 4 chỉ số đầu ra chính, 17 chỉ số thành phần và 50 kết quả đầu ra, tập trung vào công bằng xã hội, phúc lợi và sự hài lòng của người dân. Các chỉ số đáng chú ý bao gồm tỷ lệ giảm khoảng cách tiền lương theo giới, chỉ số hạnh phúc quốc gia và mức độ tiếp cận dịch vụ y tế.

Cuối cùng, tiêu chí Tính bền vững gồm 4 chỉ số kết quả đầu ra chính, 22 chỉ số thành phần và gần 60 kết quả đầu ra. Tiêu chí này phản ánh sự phát triển dài hạn về môi trường, kinh tế và xã hội, cũng như công bằng giữa các thế hệ và khả năng phục hồi trước rủi ro. Ví dụ: tỷ lệ đất được bảo vệ, mức giảm phát thải khí nhà kính, tỷ lệ đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Tiêu chuẩn nhấn mạnh việc đánh giá chính sách cần toàn diện, có dữ liệu khoa học, công bằng và minh bạch. Báo cáo đánh giá phải rõ ràng, dễ tiếp cận và đưa ra được những khuyến nghị khả thi cho việc điều chỉnh chính sách.

Đặc biệt, Phụ lục A của tiêu chuẩn cung cấp hệ thống chỉ số chi tiết, bao trùm 45 chỉ số đầu ra chính, hơn 210 chỉ số thành phần và gần 500 kết quả đầu ra được mô tả cùng với chỉ số đo lường kết quả cụ thể (mục tiêu).

Phụ lục B cung cấp ví dụ về các tiêu chí đánh giá theo các giai đoạn của chu trình chính sách: trước khi hình thành chính sách, giai đoạn hình thành và giai đoạn thực thi chính sách.

Việc áp dụng TCVN 14397:2025 không chỉ giúp nâng cao chất lượng chính sách mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ quản lý theo đầu vào sang quản lý theo kết quả. Đây là bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa quản trị công, góp phần vào phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Ngọc Bích (VSQI)

Cùng chuyên mục