Nhiều vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy mới, đâu là giải pháp?

Đăng ngày: 09:44 14-04-2023

Quy chuẩn 06 (QCVN:06) của Bộ Xây dựng vừa mới ban hành nhưng các cơ quan, doanh nghiệp đã gặp phải không ít vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Nhiều vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn  06 (QCVN:06) về phòng cháy chữa cháy

Nghị định 136 hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy và quy chuẩn 06 (QCVN:06) của Bộ Xây dựng, quy định các điều kiện, tiêu chuẩn công trình, dự án đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Khi triển khai và giám sát quy chuẩn này đi vào thực tiễn, cơ quan công an cấp tỉnh, thành, quận, huyện ở nhiều địa phương đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Các địa phương, ngành chức năng và doanh nghiệp đang tích cực phối hợp để tổng hợp và tháo gỡ những vướng mắc trong việc áp dụng các quy chuẩn phòng cháy mới.

Cụ thể, theo lãnh đạo Tập đoàn Tiên Sơn, Thanh Hóa, nhà xưởng 2 tầng rộng hơn 8.000m2 đáng lẽ phải là nơi làm việc của hàng nghìn công nhân nhưng nhà xưởng đã phải để trống suốt 2 năm qua. Các yêu cầu khác về phòng cháy chữa cháy đều đã đáp ứng, ngoại trừ cấu kiện sắt thép còn chưa được sơn chống cháy nên không được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

 Nhiều doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn 06 về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: VTV

Ông Lê Đăng Thuyết, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiên Sơn, Thanh Hóa cho biết thêm: ''Tới 31/3 mới có hãng sơn được kiểm định. Tuy nhiên đơn giá rất cao so với hiện nay, tính nhà xưởng này hơn 6 tỷ đồng. Nói chung là mất hơn 10 lần sơn thông thường".

Toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy trị giá 350 triệu đồng phải tháo bỏ đi hết dù hệ thống đã được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy nhưng theo tiêu chuẩn mới thì lại không đạt. Bể nước chữa cháy 60m3 khối trước thì đạt nhưng theo tiêu chuẩn mới phải đào thêm thành 260m khối.

''Chúng tôi phải di dời cây cối và lui nhà vào để đảm bảo cho đúng theo quy định mới, dự kiến chúng tôi đầu tư 1 tỷ đồng cho công trình mới'', ông Lê Tất Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV In Đông Á, KCN Tây Bắc Ga, TP. Thanh Hóa cho biết.

Theo Công an Phòng cháy chữa cháy tỉnh Thanh Hóa, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga có 193 cơ sở thì 107 cơ sở bị đình chỉ và tạm đình chỉ vì không đạt các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, chiếm hơn một nửa. Công an Phòng cháy chữa cháy tỉnh Thanh Hóa đã phải thành lập 1 đội gồm 7 thành viên làm việc liên tục để hỗ trợ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tây Bắc Ga sửa chữa, khắc phục các tồn tại.

Công an tỉnh Hưng Yên tỏ ra đồng cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp trong tỉnh đang đối mặt. Hiện nay Hưng Yên chấp hành nghiêm quy định của Cục PCCC đưa ra. Tỉnh đã đình chỉ, cho dừng hầu hết các quán karaoke. Trong quý 1/2023, địa phương cũng đã tạm đình chỉ 14 trường hợp và đình chỉ 19 doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.

“Khi cơ quan cảnh sát PCCC xuống làm việc, doanh nghiệp họ có kiến nghị, trình bày những khó khăn trong thực hiện quy chuẩn 06 (QCVN:06). Luật thay đổi, chúng tôi vừa phải giám sát, vừa phải hướng dẫn và lắng nghe họ".

Còn theo Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Bộ Xây dựng cần sớm có bảng tiêu chuẩn chung về khả năng chịu nhiệt của các loại sơn lên tính chịu lực của vật liệu… để có thể đồng bộ áp dụng cho các đối tượng, công trình giống nhau.

Quy chuẩn mới yêu cầu sơn lên vật liệu, ngoài tác dụng chống cháy, còn khả năng chịu lực. Tuỳ vào vật liệu với độ dày, mỏng, vuông, tròn… thì có khả năng chịu nhiệt khác nhau. Hoặc nên tính ở nhiệt độ bao nhiêu thì cấu kiện kim loại mềm, biến dạng, mất khả năng chịu lực là được, không cần tính đến khi sập. Từ đó, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng kiến nghị, Nghị định 136 cần nghiên cứu, tiếp thu thêm thực tiễn để có những tháo gỡ cho phù hợp.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa ra hướng dẫn cụ thể

Qua trao đổi, Cục Cảnh sát PCCC nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó khăn nêu trên là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.

Đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/1/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình 

Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 10/1/2021) phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đưa ra ví dụ, hồ sơ phải đáp ứng chi tiết như dùng sơn, vữa, tấm ốp chống cháy hay loại vật liệu gì, cách thực hiện như thế nào?

Chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Những điểm mới trong QCVN 06:2020/BXD

Từ giữa tháng 4/2020 đến nay, Bộ Xây dựng ban hành 3 thông tư liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Cụ thể, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Đến ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD). Tiếp đó, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).

Nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc, như: Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính. Quy định cũ phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; các cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chịu lửa EI nhưng tại QCVN 06:2022/BXD cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, EI 30, EI 15 (3 loại); cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW (dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính;

Giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất. Ví dụ: Theo quy định QCVN 06:2021/BXD (cũ), với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5200m2; nếu nhà 2 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 3500m2.

Tại QCVN 06:2022/BXD, cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa;

Giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực, quy định tại Bảng 4, Phụ lục E. Trước đây, tất cả công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư. Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này;

Giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động; Bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 1 lối ra (cầu thang) thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở; Giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như công trình quy mô nhỏ.

An Dương (T/h) (VietQ.vn)

 

Cùng chuyên mục