Kiểm kê khí nhà kính thông qua các tiêu chuẩn quốc tế

Đăng ngày: 16:15 30-08-2024

Kiểm kê khí nhà kính một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác trở thành yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy, sự công bằng, làm cơ sở cho việc tham gia vào các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.

Ngay sau đó, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều hoạt động tích cực để “nội luật hóa” các quy định, trong đó có nhiều quy định liên quan trực diện tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các yêu cầu, diễn biến mới từ thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… cũng cho thấy, giảm phát thải khí nhà kính được coi là tiêu chí “bắt buộc” thay vì là “tự nguyện” để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và tồn tại trong các chuỗi cung ứng.

Giảm phát thải khí nhà kính được coi là tiêu chí “bắt buộc” thay vì là “tự nguyện” để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và tồn tại.

Ảnh minh họa.

Khí nhà kính là thành phần dạng khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (bức xạ hồng ngoại) trong dải bước sóng của Trái Đất gây ra, được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, rồi phân tán nhiệt lại cho Trái Đất và gây nên hiệu ứng nhà kính. Khí nhà kính làm biến đổi khí hậu do làm tăng nhiệt độ Trái Đất từ đó làm tan băng và làm mực nước biển dâng cao gây ra thiên tai. Khí nhà kính cần loại bỏ chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N20, NF3, SF6, HFCs và PFCs,…

Theo ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon và Netzero có nhiều việc phải làm như chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng... Nhưng một trong những việc đầu tiên và xuyên suốt quá trình này là phải tính toán xem hiện nay chúng ta đang ở đâu. Vì vậy, kiểm kê khí nhà kính một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác trở thành yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy, sự công bằng, làm cơ sở cho việc tham gia vào các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

“Hiện nay trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính như bộ tiêu chuẩn ISO 14064 hoặc tiêu chuẩn ISO 14067 về định lượng vết carbon, ISO 14068 về trung hòa carbon,… Việc áp dụng các tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác cho báo cáo phát thải, báo cáo giảm nhẹ phát thải, báo cáo định lượng vết carbon... do các tiêu chuẩn này bao quát tất cả các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp”, ông Dũng nói.

Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT). 

Việc thẩm tra xác nhận/ thẩm định Báo cáo khí nhà kính và Báo cáo nghiên cứu vết carbon (CFP) giúp cho các tổ chức đạt được một số mục tiêu quan trọng như: Đáp ứng nhu cầu thông tin của các bên liên quan cần báo cáo về phát thải trong chuỗi cung ứng của họ; Đưa ra tuyên bố sáng suốt về tính thân thiện với khí hậu của các sản phẩm, dịch vụ và của tổ chức;

Với sự Thẩm tra xác nhận/Thẩm định của bên thứ ba độc lập, tiến trình của tổ chức trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính dọc theo chuỗi giá trị dựa trên tiêu chuẩn được quốc tế công nhận sẽ trở nên minh bạch và rõ ràng hơn; Thẩm tra kết quả kiểm kê giúp đơn vị khác biệt với các đối thủ cạnh tranh chưa đi theo con đường này;

Thu hút nhà đầu tư muốn hướng đến phát triển thân thiện với môi trường; Nhận được kết quả tốt hơn trong đánh giá và xếp hạng của các tổ chức tài chính, tín dụng; Tạo được uy tín khi tham gia thị trường tín chỉ carbon; Thu hút các tổ chức quốc tế trong việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon sau này;…

Mai Phương (theo Vietq.vn)

Cùng chuyên mục