Để tiêu chuẩn không là rào cản kỹ thuật

Đăng ngày: 09:52 15-10-2020

Tiêu chuẩn có thể là một trong các loại rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Nếu tiêu chuẩn của các quốc gia được hài hoà trên cơ sở tiêu chuẩn chung (Tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn khu vực) thì rào cản này sẽ được tháo gỡ.

Lãnh đạo Bộ KH&CN và Tổng cục TCĐLCL tặng quà tri ân các thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, các chuyên gia. Ảnh: VGP

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày Tiêu chuẩn Thế giới (14/10) và Hội thảo “Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh”.

 

Xây dựng các tiêu chuẩn tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, khi các quốc gia áp dụng những tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và thì các hoạt động thừa nhận kết quả thử nghiệm và chứng chỉ chất lượng trở nên dễ dàng hơn.

 

Các tiêu chuẩn hài hoà còn là những căn cứ kỹ thuật tin cậy để các quốc gia, các tổ chức dựa vào đó tiến hành ký kết các Hiệp định/Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả công nhận và đánh giá sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá giữa các nước, các khu vực.

 

Vì vậy, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực và các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia của các nước thành viên ASEAN, APEC, ASEM,... đã và đang đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hóa theo hướng tăng cường hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Chấp nhận tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế lớn, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới như ISO, IEC, CODEX, ITU, ASTM,… thành tiêu chuẩn quốc gia, đã và đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện.

 

Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam có gần 13.000 TCVN, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực khoảng 60%, đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội trong nhiều lĩnh vực như: Bộ TCVN 11041 về nông nghiệp hữu cơ, TCVN về sản phẩm dầu mỏ phục vụ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải; QCVN 1:2015 về xăng, nhiên liệu diezen và nhiêu liệu sinh học; các TCVN về đô thị thông minh, lưới điện thông minh…

 

Mới nhất, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể về tỉ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là 65%, giai đoạn 2026-2030 là 70-75%.

 

Ông Linh cho rằng, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong giai đoạn tiếp theo phải phù hợp với chiến lược phát triển phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do đó trong giai đoạn tới cần xây dựng các TCVN để tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh, gồm các tiêu chuẩn cơ bản về hạ tầng cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị thông minh, nhà máy thông minh, dịch vụ thông minh, phần mềm công nghiệp, dữ liệu lớn và công nghiệp internet,… làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam.

 

“Tiêu chuẩn giúp bảo vệ hành tinh”

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhận định, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

 

Tiêu chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội. Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp các công ty giải quyết những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và bảo đảm hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.

 

Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ có tính an toàn, tin cậy và có chất lượng tốt, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường.

 

Tiêu chuẩn quốc tế cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách công, các quy định quốc gia, bảo đảm các yêu cầu đối với việc xuất, nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, từ đó tạo thuận lợi hóa việc lưu thông hàng hóa và các dịch vụ giữa các quốc gia.

 

Thứ trưởng Lê Xuân Định kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng các tài nguyên không tái tạo một cách tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, áp dụng các quá trình, sản phẩm, công trình xanh, thân thiện với môi trường…

 

Từ năm 1970, ngày 14/10 hằng năm được ba tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới.

 

Chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn giúp bảo vệ hành tinh”, một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc bảo vệ hành tinh, bảo vệ môi trường sống. Thông qua các tiêu chuẩn giúp tiết kiệm năng lượng, tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu, sử dụng phương tiện vận tải ít gây ô nhiễm, quản lý chất thải, giảm phát khí thải nhà kính, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu… hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

(Hoàng Giang-chinhphu.vn)

Cùng chuyên mục